Là một photographer chuyên nghiệp hay một Studio, có khi nào bạn tự hỏi mức giá của mình là cao hay thấp, giá đó có phù hợp với thị trường không? Nếu mình tăng giá lên một chút thì có ổn không? Hay hạ giá một chút thì lượng khách có đông hơn không? Định giá từ trước đến nay là một nghệ thuật trong kinh doanh, nó mang nhiều ý nghĩa hơn là những con số.
Bài viết này sẽ trình bày một số phương pháp định giá phổ biến hiện nay, nhằm giúp bạn có thêm thông tin tham khảo khi quyết định mức giá của mình.
Phương pháp 1: Định giá theo giá thành
Ví dụ:
Bạn có 1 studio, chi phí thuê mặt bằng, điện nước, nhân viên, internet, marketing… trong một tháng là 30 triệu, nếu không có khách thì bạn vẫn phải trả số tiền này. Đây được gọi là chi phí cố định hàng tháng.
Ngoài ra, khi có show chụp thì bạn sẽ phải chi cho mỗi show chụp là 4 triệu (bao gồm tiền make-up, hoa cưới, giặt quần áo, đi lại, lương thợ chụp, lương thợ photoshop, in album, in ảnh lớn…) đây được gọi là chi phí biến đổi. Giả sử mỗi tháng bạn có 10 show chụp, thì tổng chi phí biến đổi sẽ là 10 show x 4 triệu = 40 triệu.
Vậy tổng chi phí cố định + chi phí biến đổi thì hàng tháng bạn phải chi là: 30 triệu + 40 triệu = 70 triệu. 70 triệu này là tổng chi phí trong 1 tháng của bạn, lấy 70 triệu chia cho 10 show chụp thì sẽ được giá thành là 7 triệu/1 show
Giả sử mỗi show chụp bạn muốn lãi 3 triệu. Vậy mức giá của bạn sẽ là 7 triệu giá thành + 3 triệu tiền lãi = 10 triệu. Bạn sẽ thu của khách hàng là 10 triệu/1 show chụp.
Phương pháp 2: Định giá theo khả năng cung ứng của bạn
Phương pháp này phù hợp với các photographer, giả sử khả năng chụp mỗi tháng của bạn là 10 show, và bạn không muốn chụp nhiều hơn vì còn dành thời gian để nghỉ ngơi.
Giả sử hiện tại bạn đang định giá là 10 triệu/1 show, số lượng khách hàng tháng của bạn là 15 show. Như vậy bạn nên tăng giá, ví dụ tăng lên 11 triệu/1 show và số lượng khách giảm xuống còn 10 show/1 tháng thì không nên tăng nữa. Nhưng nếu số lượng khách vẫn cao hơn 10 show/1 tháng thì bạn có thể tăng thêm một chút nữa.
Ngược lại, nếu số lượng khách hàng tháng của bạn dưới 10 show, thì bạn nên cân nhắc giảm giá một chút để tăng số lượng show chụp lên.
Phương pháp 3: Định giá biên tế
Phương pháp này phù hợp với các studio lớn, có khả năng chụp nhiều show 1 tháng. Phương pháp này sẽ định giá làm sao để mang lại lợi nhuận cao nhất. Ví dụ:
Bạn đang định giá 10 triệu/1 show, trong đó lãi 3 triệu/1 show, mỗi tháng bạn có 20 show chụp. Như vậy mỗi tháng bạn sẽ lãi 20 show x 3 triệu = 60 triệu.
Giả sử bạn tăng giá lên 11 triệu/1 show, thì bạn sẽ lãi 4 triệu/1 show. Nhưng lượng khách hàng sẽ giảm xuống còn 14 show/1 tháng. Số tiền lãi bạn thu được sẽ là 14 show x 4 triệu = 56 triệu. Giảm hơn so với trước, như vậy bạn không nên tăng giá.
Ngược lại, giả sử bạn giảm xuống còn 9 triệu/1 show, bạn sẽ lãi 2 triệu/1 show. Nhưng số lượng khách tăng lên thành 32 show/1 tháng. Số tiền lãi bạn thu được sẽ là 32 show x 2 triệu = 64 triệu. Cao hơn so với trước, vậy thì bạn nên giảm giá.
Trên đây là 3 phương pháp định giá phổ biến hiện nay, việc lựa chọn phương pháp nào sẽ tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi người. Mỗi khi thay đổi giá, bạn cần phải đo lường cụ thể, như vậy bạn mới biết được việc thay đổi giá có lợi hay hại. Cũng cần lưu ý là không phải muốn lấy giá bao nhiêu cũng được, mà nó phụ thuộc vào độ uy tín thương hiệu của bạn, phụ thuộc vào chiến lược marketing và sales của bạn có tốt không.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com