CÂN BẰNG GIỮA ĐAM MÊ VÀ CÔNG VIỆC TRONG NHIẾP ẢNH

Có một thực tế mà khá nhiều photographer gặp phải, đó là chụp quá nhiều, đến nỗi cảm thấy mệt mỏi, chỉ mong làm cho xong để hoàn tất hợp đồng với khách. Thử tưởng tượng cái cảnh ngày nào cũng chụp ảnh, xử lý ảnh từ sáng đến tối, mà lúc nào cũng ở trong tình trạng gấp gáp, thì làm sao mà duy trì cảm hứng được. Đành rằng khi đến với nhiếp ảnh là vì đam mê, nhưng nếu rơi vào tình trạng công việc dồn dập như trên thì chắc chắn đam mê sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân, và làm sao để khắc phục được tình trạng trên.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Đầu tiên, cần phải làm rõ rằng, đa số các photographer đều đam mê nhiếp ảnh. Nếu như quay lại những ngày đầu đến với nhiếp ảnh, chắc hẳn mọi người còn nhớ cái cảm giác lần đầu cầm máy, những lần đi chụp mẫu đầy cảm hứng, rồi tối về hì hục photoshop, làm được tấm ảnh đẹp thì post lên diễn đàn hoặc Facebook chia sẻ với mọi người. Anh em thi nhau comment khen đẹp và góp ý đủ các kiểu. Vâng, những ngày đầu thật vui.

Nhưng một khi đã dấn thân vào con đường nhiếp ảnh thương mại, các photographer bắt đầu chụp ảnh cho khách lấy tiền. Thời gian đầu không có khách thì chỉ mong sao được đông khách. Nhưng khi khách nhiều rồi thì bắt đầu cảm thấy đam mê giảm dần, chụp ảnh giống như công việc phải làm hàng ngày. Vậy đâu là lý do? Xin được phân tích một vài nguyên nhân chính như sau:

Thứ 1: Mặc dù các photographer đam mê chụp ảnh, nhưng không phải show chụp nào cũng là đam mê. Nguyên nhân là vì có một số photographer thích chụp mẫu, một số thích chụp phong cảnh, một số thích chụp thời trang… Nhưng chụp ảnh thương mại nghĩa là chụp ảnh kiếm tiền, không phải muốn chụp gì thì chụp, mà bạn sẽ phải chụp cho khách hàng.

Thứ 2: Trước đây chỉ đi chụp khi rảnh, nên tâm lý rất thoải mái, không bị rơi vào tình trạng bận rộn, không chịu áp lực phải giao ảnh gấp. Còn khi chụp ảnh thương mại, thì phải chụp theo lịch của khách, phải giao ảnh đúng hẹn.

Thứ 3: Không được chụp theo quan điểm nghệ thuật của mình. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm bớt sự say mê. Vì khi chụp ảnh thương mại, thì bạn phải chụp làm sao để được thị trường chấp nhận, tức là chụp sao mà khách hàng thích để họ trả tiền cho bạn.

Thên thực tế thì còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng trên đây là 3 nguyên nhân chính thường gặp. Vậy làm sao để cân bằng được đam mê và công việc? Làm sao để để mỗi lần chụp đều là nguồn cảm hứng sáng tác cho bạn. Trước khi đi tìm giải pháp, cần phải làm rõ một số ý như sau:

Đầu tiên, bạn chỉ mệt mỏi khi chụp quá nhiều và phải chịu áp lực về thời gian. Nhưng nếu suy nghĩ theo hướng tích cực, thì rõ ràng công việc của bạn đang phát triển tốt, biểu hiện là đông khách. Có rất nhiều photographer phải bỏ nghề vì không có khách hàng, nên bạn hãy vui vì điều đó, đông khách là một dấu hiệu tốt trong kinh doanh.

Tuy nhiên, đông khách quá cũng khiến bạn mệt mỏi vì phải làm việc quá nhiều. Nếu như bạn là một người kinh doanh trong ngành ảnh, nghĩa là bạn không chụp, mà chỉ kiếm khách rồi thuê người khác chụp, thì càng đông khách lại càng tốt. Ở đây, ta nói về một người photographer, tự mình kiếm khách, tự mình chụp và xử lý ảnh. Vậy làm sao để cần bằng, có một vài giải pháp như sau:

1. Tăng giá: Đông khách chính là cơ sở để bạn có thể tăng giá, vì nếu vắng khách thì làm sao bạn có thể tăng giá được. Nhưng hãy tăng giá từ từ, tăng ít thôi để thăm dò thị trường, tránh thường hợp tăng nhiều quá khiến khách hàng không book bạn nữa, khi đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của bạn. Tăng giá cho đến khi số lượng khách vừa với mong muốn của bạn là tốt nhất. Ví dụ mỗi tháng bạn chỉ muốn chụp 10 show, thì tăng làm sao để lượng khách duy trì ở mức 10 show là đẹp.

2. Biến công việc thành đam mê: Giả sử sở thích của bạn là chụp các bạn mẫu xinh chẳng hạn, nhưng bạn lại chụp ảnh cưới để kiếm tiền, mà cô dâu chú rể đâu phải lúc nào cũng xinh như mẫu. Nếu rơi vào trường hợp này thì thực sự là bạn khó có thể phát triển chuyên môn của mình, vì nếu không đam mê thể loại ảnh mà mình chụp, thì bạn sẽ không có động lực để nghiên cứu chuyên sâu để chụp đẹp hơn. Hãy gắn đam mê với công việc hàng ngày, hãy tìm vẻ đẹp trong tình yêu của cô dâu chú rể, hãy yêu những khoảnh khắc hạnh phúc của khách hàng, yêu những cảm xúc thật đang diễn ra trước ống kính của bạn. Từ đó, bạn sẽ thấy công việc của mình ý nghĩa hơn mỗi ngày, rồi bạn sẽ đam mê lúc nào không hay.

3. Cân bằng với khách hàng. Chắc chắn trong những lần chụp cho khách, bạn biết chụp như thế nào là đẹp, nhưng cũng có lúc khách lại muốn chụp theo ý của họ. Và khi chọn ảnh cũng vậy, có những tấm bạn thấy rất đẹp và rất thích, nhưng cô dâu chú rể lại không thích và họ chọn những tấm khác. Đây là chuyện rất bình thường, hãy làm theo ý khách, vì bạn đang làm dịch vụ chụp ảnh, mà đã là dịch vụ thì việc làm cho khách hàng hài lòng là rất quan trọng. Từ từ bạn sẽ quen, và cảm thấy việc này cũng nhẹ nhàng thôi, không có gì to tát. Nhưng sau khi làm theo ý khách, giúp khách vui vẻ rồi, hãy đề nghị khách chụp theo kiểu của bạn, và giải thích cho khách biết vì sao nó đẹp. Chắc chắn khách sẽ hài lòng và quý bạn hơn. Đối với khâu chọn ảnh cũng vậy, sau khi xử lý ảnh khách chọn, bạn hoàn toàn có quyền xử lý thêm những tấm mà bạn thích đúng không nào.

Nếu bạn làm nghề đủ lâu, trải nghiệm đủ sâu, bạn sẽ thấy công việc của một photographer thực ra lại rất thú vị. Chỉ cần bạn suy nghĩ tích cực, khéo léo trong ứng xử, thì bạn sẽ khiến mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nếu như bạn đi làm công ty, chắc chắn bạn không làm được như thế. Chúc bạn cân bằng được công việc của mình, và duy trì được niềm đam mê nhiếp ảnh nhé.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *