NHỮNG SAI LẦM CỦA CÁC PHOTOGRAPHER

Đầu tiên, cần nói rằng mục đích của bài viết này là giúp các photographer tránh được những sai lầm rất dễ mắc phải. Đây là những sai lầm khiến các photographer tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Những sai lầm được liệt kê dưới đây được rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân tác giả, và từ sự quan sát trên thị trường nhiếp ảnh hiện nay ở Việt Nam.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

1. Cứ nghĩ chụp đẹp là có khách

Ngày xưa, các cụ có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa là chỉ cần mình có tài, mình có sản phẩm tốt, thì khách hàng sẽ tự truyền bá thông tin cho nhau và ùn ùn kéo đến. Thời đó kinh doanh thật dễ, “trăm người bán vạn người mua”, kinh doanh mà cứ như không kinh doanh vậy, rất sướng. Nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, khách hàng có quá nhiều thông tin và sự lựa chọn, họ cũng vô cùng bận rộn và rất hiếm khi tự nhiên giới thiệu khơi khơi cho dịch vụ của bạn. Nên buộc những người bán hàng phải biết cách marketing thì mới mong bán được hàng. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, qua rồi cái thời cứ chụp đẹp là có khách. Nếu bạn chụp đẹp mà không loa loa lên, thì liệu có ai biết đến bạn không? Có ai biết là bạn chụp đẹp không? Trong khi ngoài kia có hàng ngàn photographer khác chụp chẳng kém gì bạn, thậm chí còn có nhiều người chụp đẹp hơn bạn. Nhưng để có khách, họ vẫn phải liên tục marketing và quảng cáo mỗi ngày. Vì vậy, chụp đẹp chỉ là bước khởi đầu, giúp cho bạn có sản phẩm hình ảnh để mang đi bán. Nhưng để bán được dịch vụ chụp ảnh lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, nó đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn thế nhiều.

2. Chụp quá nhiều thể loại

Bạn có khả năng chụp nhiều thể loại ảnh là một điều tốt, không có vấn đề gì cả. Ví dụ bạn chuyên chụp ảnh cưới, mà tự nhiên có người liên hệ yêu cầu bạn chụp ảnh chân dung. Nếu bạn có kỹ năng chụp chân dung tốt, thì chẳng việc gì mà lại từ chối đúng không. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác, nếu không ý thức được thì bạn rất dễ mắc sai lầm và tốn tiền. Đó là việc bạn phân tán nguồn lực, chi tiền marketing và quảng cáo cho tất cả các thể loại ảnh mà bạn có thể chụp. Ví dụ như vừa chạy chiến dịch quảng cáo chụp ảnh cưới, lại chạy thêm quảng cáo chụp ảnh chân dung và ảnh kỷ yếu. Như vậy bạn sẽ phải đuổi theo các nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau, nguồn lực bị chia nhỏ, khiến năng lực cạnh tranh của bạn sẽ bị suy yếu. Bạn không đủ nguồn lực để theo đuổi các nhóm khách hàng một cách dài hơi, và kết quả chốt show của bạn sẽ kém đi rất nhiều. Vì vậy, khi mới bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, hay khi nguồn lực của bạn còn hạn chế, hãy tập trung vào thể loại ảnh mà bạn có nhiều ưu thế nhất, khi đó khả năng thành công của bạn sẽ cao hơn. Trừ trường hợp bạn là dân kinh doanh chuyên nghiệp, có đội ngũ hùng hậu, khi đó bạn mới có thể theo đuổi nhiều thể loại ảnh khác nhau một cách bài bản được.

3. Ăn mặc quá xuề xoà

Việc ăn mặc như thế nào là quyền tự do của mỗi người, và rất khó để góp ý vì nó mang nhiều sự tế nhị, và dễ làm mất lòng nhau. Vì vậy bài viết này không nói đến cách ăn mặc xét theo nghĩa cá nhân, mà chỉ xin đề cập đến chuyện ăn mặc trong công việc. Khi mình cung cấp dịch vụ chụp ảnh cho khách, nghĩa là mình bán dịch vụ chụp ảnh và thu tiền. Dịch vụ chụp ảnh bao gồm sản phẩm (file ảnh, ấn phẩm in), và dịch vụ (tư vấn, quá trình phối hợp, thái độ, tác phong làm việc…). Như vậy, ngoài hình ảnh, mình còn có trách nhiệm thực hiện dịch vụ một cách chuyên nghiệp nhất. Ví dụ như chụp ảnh phóng sự cưới, đó là một ngày lễ quan trọng nhất đời của cô dâu chú rể, và của cả gia đình nhà trai, nhà gái. Nếu như photographer xuất hiện trong trang phục lịch sự, thì chắc chắn khách hàng sẽ hài lòng về mặt hình thức. Vì khi mình ăn mặc lịch sự, nghĩa là mình thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng, và tôn trọng đối với công việc mình đang làm. Tôi đã từng chứng kiến một photographer ăn mặc quá xuề xoà (quần lửng, áo thun) đi chụp trong một lễ cưới được tổ chức ở khách sạn 5 sao ở quận 1. Mặc dù khách hàng họ lịch sự không nói ra, nhưng tôi biết họ cũng không hài lòng về việc đó. Vì vậy, mỗi khi đi tác nghiệp, nhất là trong những sự kiện sang trọng, hãy ăn mặc tươm tất một chút nhé.

4. Không nghiên cứu thị trường

Tôi biết có nhiều photographer chụp ảnh rất nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và kỹ năng cao, nhưng lại có rất ít khách hàng. Lý do là vì style ảnh của họ không phù hợp với phần lớn khách hàng trên thị trường. Mặc dù biết là mỗi photographer có cá tính và style chụp riêng. Nhưng nếu xét về mặt kinh doanh, thì bạn sẽ không bán được hàng nếu như sản phẩm của bạn không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể là khách hàng sẽ không book bạn chụp ảnh nếu style của bạn không phù hợp với họ. Bài viết này không có ý nói bạn nên chạy theo xu hướng thị trường mà làm mất đi dấu ấn cá nhân, nếu như vậy thì việc chụp ảnh đâu còn là đam mê và hạnh phúc nữa. Vì vậy, vấn đề là phải cân bằng, làm sao cân bằng được một bên là phong cách nghệ thuật mà mình theo đuổi, một bên là nhu cầu khách hàng. Như vậy bạn mới có khách, mới sống được với nghề, và mới có điều kiện để tiếp tục theo đuổi đam mê.

5. Không học hỏi marketing và sales

Phần lớn các photographer đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc vào chuyên môn chụp ảnh, vì việc nghiên cứu để chụp được những bộ ảnh đẹp mang lại rất nhiều cảm hứng và đam mê. Đây là điều rất bình thường và dễ hiểu, vì bản thân tôi cũng là một người như vậy. Nếu mục đích của bạn chỉ là chụp được những bộ ảnh đẹp thì bạn đã thành công. Nhưng nếu mục đích của bạn là đem bán những bộ ảnh đó, hay bán dịch vụ chụp ảnh của bạn cho khách hàng thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Tôi đã chứng kiến nhiều photographer kinh doanh một cách rất bản năng. Thấy người khác chi tiền chạy quảng cáo chụp ảnh trên Facebook hay Google thì mình cũng bắt trước làm như vậy, kết quả là tốn tiền mà khách lại chẳng thấy đâu, hoặc nếu có thì cũng rất ít. Họ không hiểu rằng để bán hàng thành công thì cần phải có kiến thức về marketing và sales một cách bài bản. Hiểu đơn giản như thế này: nếu bạn đầu tư vào chuyên môn chụp ảnh một cách nghiêm túc, thì bạn sẽ sản xuất ra được những bộ ảnh đẹp, còn nếu bạn đầu tư học hỏi marketing & sales một cách nghiêm túc, thì bạn sẽ “sản xuất” ra được khách hàng. Đầu tư để học hỏi về marketing và sales chưa bao giờ là thừa, nó không những chỉ giúp bạn kinh doanh tốt trong ngành ảnh mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

6. Không làm website

Có rất nhiều photographer ở Việt Nam hiện nay không có website. Việc này không đúng cũng không sai, vì tôi biết có khá nhiều photographer thành công trên facebook. Nhưng do Facebook là một mạng xã hội, nên cách thức hoạt động của nó là khuyến khích mọi người đăng bài liên tục. Chỉ cần vài ngày không đăng bài là bạn đã bị mọi người lãng quên, vì Facebook chỉ ưu tiên hiển thị những bài viết mới. Trong khi cách thức hoạt động của Google thì ngược lại, nếu bạn có những bài viết hay trên trang web, thì bài viết càng lâu lại càng có giá trị, và được Google ưu tiên hiển thị khi có người tìm kiếm. Vì vậy, là một photographer chuyên nghiệp thì bạn rất nên có một website, điều này còn giúp hình ảnh của bạn trở nên chuyên nghiệp trước mặt khách hàng.

Trong suốt quá trình theo đuổi nghề photographer, sẽ có rất nhiều những sai lầm mà một photographer có thể mắc phải. Nhưng trên đây là những sai lầm mà mọi người hay gặp phải. Vì vậy bài viết này mong chia sẻ được điều gì đó hữu ích cho mọi người, những người đang nỗ lực trở thành một photographer chuyên nghiệp. Hãy giúp mình share bài viết này nếu nó có ích cho bạn nhé.

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

One thought on “NHỮNG SAI LẦM CỦA CÁC PHOTOGRAPHER

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *