Không ai kinh doanh mà lại muốn rơi vào tình huống bị phá giá, đối với thị trường nhiếp ảnh cũng vậy, không có studio hay nhiếp ảnh gia nào muốn điều đó. Nhưng đó lại là chuyện thường ngày ở huyện, chuyện các studio, nhiếp ảnh gia phá giá để có thêm khách hàng là điều rất bình thường. Vậy khi gặp trường hợp đó, bạn sẽ làm gì để bảo vệ công việc kinh doanh của mình?
Về phương diện cá nhân, mỗi người có quyền lựa chọn cho mình một chiến lược giá khác nhau. Ở đây, cần phân biệt chiến lược giá thấp với phá giá. Chiến lược giá thấp là thiết kế những gói chụp giá thấp, dựa trên cơ sở cắt giảm và tiết kiệm chi phí, nhờ vậy vẫn thu được lợi nhuận. Đối tượng khách hàng mà chiến lược giá thấp nhắm đến là những người có mức thu nhập trung bình hoặp thấp, họ chọn những gói chụp giá thấp và chấp nhận chất lượng vừa phải.
Còn phá giá là hành vi giảm giá trong khi chi phí vẫn không đổi, bán với giá thấp hơn giá trung bình trong ngành trong khi chất lượng vẫn tương đương. Việc giảm giá này mục đích là để giành được nhiều khách hàng hơn, và có thể gây ảnh hưởng xấu đến các studio, nhiếp ảnh gia khác trong cùng phân khúc. Hậu quả mà việc phá giá mang lại là lợi nhuận trên mỗi show chụp sẽ bị giảm, cho nên studio hay nhiếp ảnh gia phá giá sẽ phải làm việc nhiều hơn mới có được mức thu nhập như thời điểm trước khi phá giá. Theo thời gian, việc phá giá sẽ gây ra sự mệt mỏi vì phải làm việc nhiều hơn, phá giá cũng thu hút về mình những khách hàng thích giá rẻ, mà những người thích giá rẻ thì thường hay đòi hỏi nhiều. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến tinh thần làm việc của các nhiếp ảnh gia. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, thì chất lượng công việc sẽ bị ảnh hưởng, hình ảnh mất dần sự sáng tạo, chất lượng dịch vụ cũng đi xuống. Khi đó những khách hàng ưu tiên chất lượng hơn giá cả sẽ không chọn bạn nữa, bạn sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, năng lực cạnh tranh bị đi xuống. Nói chung, việc phá giá sẽ gây tác động xấu trong dài hạn.
Xin xem thêm bài viết dưới đây để phân tích cụ thể hơn:
Này các nhiếp ảnh gia, đừng bao giờ phá giá chụp ảnh
Ở bài viết này, tôi xin chia sẻ một vài chiến lược để chống lại việc bị đối thủ (các studio, nhiếp ảnh gia khác) phá giá. Đây là những chiến lược được tôi đúc kết và rút ra trong những năm làm nghề nhiếp ảnh. Những chiến lược này rất hiệu quả trong thực tế, và đã giúp tôi không những không bị ảnh hưởng, mà còn tăng được giá cho dịch vụ của mình. Xin chia sẻ 5 chiến lược quan trọng như sau:
1. Dự phòng tài chính
Hãy luôn dự phòng cho studio của mình một khoản tài chính nhất định, lời khuyên nên là 3 tháng hoạt động. Nghĩa là nếu như studio của bạn không có khách trong 3 tháng, thì nguồn tiền dự trữ vẫn đảm bảo cho bạn duy trì được hoạt động của mình. Vì sao phải làm điều này? Lý do là khi bạn rơi vào tình huống bị cạnh tranh phá giá trực tiếp, thì lượng khách hàng của bạn nhiều khả năng sẽ bị giảm. Như vậy nguồn thu sẽ bị sụt giảm, nếu không có nguồn tiền dự trữ bạn sẽ không thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình. Và bạn sẽ bị cuốn vào cuộc chơi phá giá lẫn nhau. Dự phòng tài chính luôn là việc làm cần thiết. Không chỉ trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mà tất cả các doanh nghiệp trên thị trường đều phải làm việc này. Vì không ai biết trong quá trình kinh doanh sẽ có những điều bất ngờ gì xảy đến. Đối với mỗi gia đình cũng vậy, luôn phải có một khoản tiền dự phòng cho sinh hoạt gia đình.
Đối với những người mới khởi nghiệp nhiếp ảnh, thì việc này có thể sẽ khó. Nhưng hãy luôn lưu ý đến nó, và mỗi khi bạn có khách hàng, có thu nhập thì hãy trích một ít cho quỹ dự phòng này. Dần dần bạn sẽ có được nó. Quỹ dự phòng cho bạn sự yên tâm trong hành trình kinh doanh, không bị sụp đổ trong ngắn hạn.
2. Xây dựng thương hiệu
Ngay từ đầu khi mới khởi nghiệp nhiếp ảnh, hãy ý thức việc xây dựng thương hiệu là một cộng việc quan trọng, và nên làm hàng ngày. Khi bạn có thương hiệu uy tín, được khách hàng tin tưởng, thì giá của bạn có cao hơn thị trường đôi chút cũng không là vấn đề, khách hàng vẫn chọn bạn.
3. Tối ưu hoá chiến lược marketing
Trong một thị trường phá giá, hãy tối ưu các chiến lược marketing của mình, hãy tập trung vào phân khúc khách hàng ưu tiên chất lượng hơn giá cả. Nếu bạn tiếp cận được đối tượng khách hàng này, cộng với hình ảnh đẹp và dịch vụ tốt. Thì tôi tin lượng khách của bạn vẫn ổn định.
4. Chụp ảnh đẹp hơn
Luôn dành thời gian nghiên cứu chuyên môn để nâng cao tay nghề, làm sao càng ngày chụp ảnh càng đẹp hơn, được nhiều khách hàng yêu thích hơn. Cố gắng tạo được style riêng của mình, khi đó khách hàng đến với mình là vì cái “chất” nghệ thuật của mình, và chỉ có mình mới làm được. Như vậy khách hàng sẽ không có lựa chọn khác, và họ vẫn chọn bạn.
5. Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn
Chụp ảnh đẹp chưa đủ, mà bạn còn phải làm khách hàng hài lòng hơn. Có hàng ngàn studio, nhiếp ảnh gia ngoài kia đang gọi mời, nhưng khi khách hàng đến với bạn thì họ được phục vụ chu đáo hơn, được thấu hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu. Hãy biến khách hàng thành những người bạn sau khi sử dụng dịch vụ của bạn. Khi đó họ sẽ giới thiệu thêm khách hàng mới cho bạn.
Nếu bạn thực hiện tốt 5 chiến lược ở trên, tôi tin chắc sự khó khăn khi bị phá giá chỉ là ngắn hạn. Bạn sẽ vượt qua được nó, giữ vững vị thế là một studio, nhiếp ảnh gia uy tín. Rồi khách hàng sẽ nhanh chóng trở lại với bạn, và bạn thậm chí còn có thể tăng giá vì chất lượng hình ảnh và dịch vụ của bạn đã được nâng cao. Khi đó, bạn sẽ gia nhập vào nhóm những studio, nhiếp ảnh gia dẫn đầu thị trường.
Khi thị trường quá đông đúc, cũng có nghĩa là nó chuẩn bị bước vào giai đoạn thoái trào. Giai đoạn những studio, nhiếp ảnh gia không làm việc một cách bài bản sẽ không thể cạnh tranh được, và họ rất dễ rơi vào tình trạng phá giá để tồn tại. Nhưng sau khi cơn thuỷ triều qua đi, những con thuyền không đáy đã bị sóng đánh tan thành từng mảnh, chỉ còn những con thuyền lớn, vững chắc, hiên ngang. Bình minh lại ló rạng, một cuộc chơi mới lại bắt đầu…
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com