CHÂN DUNG HAI MẶT CỦA MỘT PHOTOGRAPHER

Nếu lùi về quá khứ khoảng 20 năm trước, một photographer chính là một nghệ sĩ, họ chỉ cần tập trung chụp ảnh thật đẹp là có thể sống được với nghề. Nhưng ở thời điểm hiện nay, chụp ảnh đẹp là chưa đủ. Xã hội sẽ không biết được ở đâu đó đang tồn tại một photographer chụp ảnh đẹp. Nếu có thì hoạ chăng chỉ là những người quen của photographer đó mà thôi.

Ở thời đại thông tin ngày nay, một photographer chuyên nghiệp bắt buộc phải đóng 2 vai. Một mặt là nghệ sĩ nhiếp ảnh, mặt còn lại là một doanh nhân. Từ doanh nhân nghe có vẻ to tát quá không? Nếu xét theo tính chất công việc, thì việc gọi photographer là doanh nhân hoàn toàn không có gì sai. Hãy nhìn vào những công việc mà một photographer làm hàng ngày. Một nửa thời gian là sáng tạo những bộ ảnh đẹp, một nửa còn lại là kinh doanh, cụ thể là kinh doanh trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Vậy công việc kinh doanh của một photographer là gì? Rất nhiều, có thể kể đến như: Marketing, tiếp khách, tư vấn, chốt sale, đăng bài và tương tác trên mạng xã hội, đăng video lên Youtube/Vimeo, viết web, chăm sóc khách hàng… Đó chính xác là công việc của một doanh nhân, nhất là những doanh nhân mới khởi nghiệp thì việc gì cũng đến tay.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu trong thời đại hiện nay, nếu một photographer chỉ biết chụp ảnh mà không biết kinh doanh hoặc không muốn làm công việc kinh doanh thì phải làm sao? Đúng là khó, nhưng không phải là không có giải pháp. Để tập trung 100% vào chuyên môn nhiếp ảnh, thì bạn buộc phải có người khác phụ trách việc kinh doanh cho bạn. Một số cách phổ biến như:

Cách 1: Tìm đối tác cùng làm, bạn lo chụp ảnh, còn đối tác phụ trách mảng kinh doanh. Khi đó, bạn sẽ phải chia sẻ thu nhập cho đối tác, studio cũng thuộc sở hữu chung.

Cách 2: Làm thuê cho một studio khác, khi đó người chủ sẽ lo việc điều hành kinh doanh, còn bạn chỉ việc chụp và nhận lương.

Cách 3: Chịu khó làm tất cả các công việc, cho đến khi có một khoản tiền kha khá thì thuê người phụ trách mảng kinh doanh cho bạn. Khi đó studio vẫn thuộc về bạn.

Mỗi giải pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, giải pháp nào cũng có những khó khăn cần phải vượt qua. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, thì tôi thích làm theo cách thứ 3 hơn. Lý do:

  • Việc tự chụp và tự kinh doanh mang lại sự chủ động cho người photographer. Có thể một mình tự quyết tất cả mọi việc, bảo đảm studio hoạt động theo đúng định hướng ban đầu mình đưa ra.
  • Thương hiệu do photographer toàn quyền sở hữu, không phải chia sẻ với ai.
  • Việc tự kinh doanh giúp người photographer trở nên nhạy bén, am hiểu thị trường, marketing và sale. Kiến thức này rất quan trọng trong tương lai sau này, giúp người photographer có thể mở rộng kinh doanh, thuê mướn nhân sự, và thậm chí có thể kinh doanh thêm những lĩnh vực khác.
  • Việc tự làm chủ một công việc kinh doanh sẽ mang lại cho bạn nhiều thách thức và niềm cảm hứng. Nếu vượt qua thì năng lực của bạn sẽ được nâng lên một level mới. Cho bạn niềm tự hào và thu nhập của bạn cũng sẽ được nâng lên tương xứng.
  • Và còn rất nhiều điều tuyệt vời nữa mà công việc kinh doanh có thể mang đến cho bạn, điều đó tuỳ thuộc vào cách bạn tiếp cận với việc kinh doanh như thế nào.

Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, có rất nhiều photographer đi theo cách thứ 3, nghĩa là tự kinh doanh. Và có nhiều người đã đạt được những thành công nhất định, có thương hiệu, tên tuổi, và có thu nhập khá.

Bản thân tôi (người viết bài này) rất mong các photographer có thể tự chủ kinh doanh công việc của mình, việc này hoàn toàn không khó, chỉ cần bạn chịu khó là được. Cũng giống như việc bạn đầu tư biết bao công sức nghiên cứu để chụp được những tấm ảnh đẹp, việc kinh doanh cũng cần đầu tư như thế. Kinh doanh không phải là năng khiếu, mà nó là một nghề, mà đã là một nghề thì cần phải học. Chụp ảnh là một nghề cần phải học, kinh doanh cũng là một nghề cần phải học. Vậy để kinh doanh trong ngành ảnh thì bạn cần phải học những kiến thức gì? Rất nhiều, xin liệt kê vài nội dung chính như:

  • Marketing
  • Quảng cáo
  • Tư vấn và chốt sales
  • Nghiên cứu thị trường
  • Chăm sóc khách hàng
  • Xây dựng thương hiệu
  • Quản lý và đào tạo đội ngũ
  • Quản lý tài chính
  • Xây dựng và tối ưu quy trình hoạt động
  • Kỹ năng xử lý sự cố không mong muốn
  • Kỹ năng kinh doanh online và offline
  • Kỹ năng ứng dụng mạng xã hội
  • Kỹ năng kinh doanh bằng video
  • Kỹ năng viết content

Có rất nhiều điều cần phải học, phải làm. Nhưng mong bạn đừng thấy nhiều quá mà nản chí. Nếu bạn cố gắng và làm chủ được nó, bạn sẽ có một sự nghiệp nhiếp ảnh của riêng bạn, một công việc mà bạn đam mê và yêu thích. Và quan trọng hơn cả, bạn là người làm chủ cuộc sống của bạn. Ở ngoài kia, có rất nhiều photographer họ đã làm và thành công, chứng tỏ không có gì quá khó. Tôi tin bạn sẽ làm được, cố gắng nhé.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *