TẠI SAO CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRONG NHIẾP ẢNH?

Có một nhiếp ảnh gia đi mua máy ảnh cho mình, anh ta muốn mua một chiếc máy ảnh và ống kính chuyên nghiệp để phục vụ cho công việc chụp ảnh của anh ấy. Anh đến một cửa hàng bán máy ảnh lớn trên một con đường sầm uất ở khu trung tâm thành phố. Vừa bước vào cửa, người bán hàng đã vui vẻ chào mời.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

– Dạ em chào anh, anh cần mua gì ạ?

– Chào em, anh cần mua một chiếc máy ảnh với một ống kính chuyên nghiệp. Công việc của anh là chụp ảnh cưới, nhưng anh đang phân vân chưa biết nên chọn máy của hãng nào. Em giới thiệu giúp anh được không?

– Dạ được ạ, đây là máy Leica, máy của Đức rất tốt và sang, được nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng lựa chọn ạ.

– Anh có biết hãng này, Leica thì nhất rồi.

– Đây là máy Sony, hiện đang rất thịnh hành đối với các nhiếp ảnh gia chụp cưới hiện nay.

– Đúng rồi, anh thấy bạn bè dùng Sony nhiều lắm.

– Còn đây là máy Canon, một thương hiệu rất nổi tiếng và uy tín trên thế giới, hiện được rất nhiều nhiếp ảnh gia đang sử dụng ạ

– Uhm, anh cũng nghe nói Canon tốt lắm

– Còn đây là máy Nikon, cũng là thương hiệu nổi tiếng và uy tín không kém

– Đúng rồi, anh cũng đang tìm hiểu về Nikon

– Còn đây là máy Công Nông, một thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường, nhưng chất lượng rất tốt và giá chỉ bằng một nửa các hãng khác thôi ạ.

– … (nhiếp ảnh gia không biết nói gì khi nghe về hãng Công Nông này)

Câu chuyện là như thế, chất lượng tốt, giá lại chỉ bằng một nửa. Nhưng chắc chắn là anh chàng nhiếp ảnh gia sẽ không mua.

Vậy đâu là lý do? Câu trả lời chắc chắn là thương hiệu, vì hãng máy ảnh mới này chưa có thương hiệu trên thị trường, chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa có ai đã dùng và review về nó. Một thương hiệu mới toanh.

Mọi chuyện cũng tương tự đối với một nhiếp ảnh gia mới vào nghề, thời gian đầu sẽ không có khách lạ (hoặc có cũng rất hiếm). Mà chủ yếu là chụp cho những người quen. Nhưng cộng đồng những người quen thì chắc chắn là rất hạn chế, ta không thể sống được nếu chỉ chụp ảnh cho những người quen.

Để phát triển thì bắt buộc các studio, nhiếp ảnh gia phải tiếp cận đến cộng đồng những người lạ, vì đây mới là thị trường lớn, mới đủ cho chúng ta duy trì và phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Nhưng thật khó để bán hàng cho người lạ nếu không có thương hiệu.

Bài toán bây giờ sẽ là: Làm sao để xây dựng thương hiệu trong ngành ảnh?

Đó là một câu hỏi lớn, và cần một thời gian dài để học hỏi, nghiên cứu, thực hành và trải nghiệm. Trong khuôn khổ một bài viết, mình xin được chia sẻ một vài lưu ý quan trọng khi xây dựng thương hiệu cho các studio, nhiếp ảnh gia như sau:

  1. Nên xây dựng cả hai: thương hiệu cho studio và thương hiệu cho cá nhân người nhiếp ảnh gia. Một studio chính là một cơ sở kinh doanh, cần phải có thương hiệu. Nhưng cá nhân người nhiếp ảnh gia cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình, vì nhiếp ảnh là lĩnh vực nghệ thuật, khách hàng rất tò mò người chụp là ai? Khi có thương hiệu cá nhân sẽ dễ có được niềm tin của khách hàng hơn. Hai thương hiệu nên gắn kết với nhau.
  2. Tập trung vào độ lớn của thương hiệu: Nghĩa là thương hiệu được nhiều người biết đến, càng có nhiều người biết đến mình thì độ phủ marketing càng lớn, cơ hội tiếp cận đến nhiều khách hàng tiềm năng càng cao.
  3. Tập trung vào độ sâu của thương hiệu: Thương hiệu có độ sâu nghĩa là được khách hàng nhớ lâu, tạo được sự tin tưởng cho khách hàng tiềm năng, tạo được sự hài lòng cho khách hàng cũ. Thương hiệu có độ sâu sẽ được khách hàng giới thiệu cho bạn bè, người thân của họ.
  4. Xử lý khủng hoảng thương hiệu: Không ai muốn thương hiệu của mình rơi vào khủng hoảng, nhưng những scandal, những tin đồn lại có thể xuất hiện bất cứ lúc nào mà mình không thể biết trước, cũng không thể kiểm soát. Vậy cách tốt nhất là đừng để những sự việc xấu xảy ra hoặc cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro này. Hãy kiểm soát tốt quy trình làm việc với khách hàng từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Hãy tạo những mối quan hệ thân tình với khách hàng cũ, để lỡ khi mình bị chơi xấu thì sẽ có những người đứng ra làm chứng cho mình.
  5. Xây dựng thương hiệu cũng giống như làm marketing, cần phải làm thường xuyên, liên tục. Ngày nào còn làm kinh doanh thì ngày đó còn phải làm thương hiệu. Cứ nhìn những ví dụ như Coca Cola, Honda, Canon… Họ là những thương hiệu hàng trăm năm, nổi tiếng và uy tín trên toàn thế giới, nhưng họ vẫn phải làm thương hiệu hàng ngày.

Từ những gợi ý ở trên, mình mong các studio, các nhiếp ảnh gia đồng nghiệp hãy lên ngay kế hoạch để xây dựng thương hiệu cho mình một cách bài bản và dài hạn. Xin chúc mọi người thành công, hạnh phúc và thăng hoa với niềm đam mê và sự nghiệp của mình. Xin hãy chia sẻ bài viết này vì biết đâu có ai đó trong số bạn bè, đồng nghiệp của bạn đang cần đọc nó. Xin cám ơn bạn rất nhiều.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *