Hướng dẫn học chụp ảnh cơ bản
Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế về học chụp ảnh cơ bản, giúp cho những bạn mới tìm hiểu về nhiếp ảnh, mới mua máy ảnh, hay đang thiếu những kiến thức cơ bản về chụp ảnh có được nguồn tham khảo hữu ích, giúp định hướng các nội dung cần phải học để có thể chụp ảnh thành thạo.
1. Học chụp ảnh cơ bản ở đâu?
Hiện có rất nhiều lựa chọn để bạn có thể học chụp ảnh một cách dễ dàng, thuận lợi. Các lựa chọn đó là: Tham gia các lớp dạy về chụp ảnh cơ bản, học trên youtube (hiện nay có rất nhiều kênh hướng dẫn về chụp ảnh cơ bản), tham gia các group về nhiếp ảnh trên Facebook để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, học trên các website chia sẻ kiến thức về nhiếp ảnh, học từ sách, học từ những người đi trước… Tuỳ theo bạn thích học theo cách nào mà lựa chọn nguồn để học, tuy nhiên, bạn cần lưu ý là phải có máy ảnh, vì nếu không có máy ảnh thì bạn không thể học được. Vì nhiếp ảnh là bộ môn đòi hỏi bạn phải thực hành nhiều, nên hãy xem xét nghiêm túc đầu tư một cái máy ảnh nhé.
2. Những nội dung cần phải học:
Dưới đây là những nội dung bạn cần phải học ở mức độ chụp ảnh cơ bản:
- Cách sử dụng máy ảnh. Bạn hãy dành thời gian để làm quen và sử dụng chiếc máy ảnh của bạn. Đây là điều phải học đầu tiên, vì nếu không sử dụng được máy ảnh thì bạn sẽ không thể điều khiển được chiếc máy ảnh để chụp ra những bức ảnh như ý, nó sẽ làm cho bạn bối rối mỗi khi cầm máy. Khi cầm máy mà không tự tin thì không thể chụp ảnh tốt được.
- Tìm hiểu về tốc độ, khẩu độ, iso. Đây là ba nhân tố quan trọng quyết định đến ánh sáng của bức ảnh, bạn cần phải hiểu về ý nghĩa của các nhân tố này, hiểu cách kết hợp giữa 3 nhân tố này với nhau để kiểm soát lượng ánh sáng thu vào trong máy ảnh.
- Học cách sử dụng thanh đo sáng để biết được bức ảnh sẽ thiếu sáng hay dư sáng khi chụp. Từ đó quyết định bù trừ ánh sáng để có được tấm ảnh đúng sáng.
- Tìm hiểu về DOF – Độ sâu trường ảnh. Đây là yếu tố quyết định đến khoảng nét trong bức ảnh, độ xoá phông của bức ảnh.
- Tìm hiểu về hai định dạng file thường được sử dụng nhiều nhất trong nhiếp ảnh. Đó là định dạng file raw và jpg. Trong đó file raw thường được dùng khi chụp ảnh và xử lý ảnh, sau khi xử lý xong thì xuất ra file jpg để gửi cho khách hàng, rửa ảnh, đăng lên web, facebook…
- Tìm hiểu về cân bằng trắng, nhiệt độ màu để bức ảnh chụp được sẽ có màu sắc trung thực nhất, hay màu sắc mà mình muốn.
- Tìm hiểu về các chế độ lấy nét, tập lấy nét cho quen để chụp ảnh sắc nét. Tránh trường hợp ảnh bị out nét sẽ rất khó xử lý về sau.
- Tìm hiều về các chế độ chụp: Auto, Av, Tv, P, M…
- Tìm hiểu về bố cục cơ bản để ứng dụng khi chụp
- Học về các loại ánh sáng trong tự nhiên: Ánh sáng tản, ánh sáng trực tiếp, ngược sáng, ánh sáng bóng râm, ánh sáng cửa sổ, ánh sáng môi trường…
- Tìm hiểu về những kiểu pose dáng phổ biến để hướng dẫn cho người mẫu khi cần.
- Học về lightroom hoặc photoshop để xử lý ảnh sau khi chụp. Vì các bức ảnh gốc thường có các khuyết điểm cần phải chỉnh sửa. Ví dụ như chỉnh lại ánh sáng, cân bằng lại màu sắc, xoá rác hay các vật thể không cần thiết, sửa một số khuyết điểm trên cơ thể mẫu…
Ở mức độ chụp ảnh cơ bản thì còn nhiều nội dung cần phải học nữa, nhưng trên đây là những nội dung chính, cần phải ưu tiên học trước. Rồi từ từ sẽ học thêm các kiến thức khác. Nếu bạn chịu khó học và thực hành thì chắc chắn bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp. Khi đó bạn sẽ trở thành ngôi sao mỗi khi đi du lịch cùng người thân, đồng nghiệp, vì ai cũng muốn ở bên bạn để được bạn chụp cho vài kiểu ảnh.
Khi đã làm chủ được level chụp ảnh cơ bản rồi, bạn cũng có thể học sâu thêm, ví dụ như tham gia các lớp: chụp ảnh chân dung, chụp ảnh trong studio, chụp ảnh cưới, chụp ảnh sản phẩm, chụp ảnh thời trang… Điều đó tuỳ thuộc vào định hướng của bạn.
Xin chúc bạn có được nhiều niềm vui khi đến với nhiếp ảnh.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com