Kinh nghiệm chụp ảnh cưới

kinh nghiệm chụp ảnh cưới

Kinh nghiệm chụp ảnh cưới

Bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm chụp ảnh cưới dành cho những anh em photographer mới vào nghề, đang cần tìm hiểu thêm trong lĩnh vực đầy thú vị này.

Nếu bạn là một photographer chụp ảnh cưới, bạn đã cầm máy và bắt đầu chụp những bộ ảnh cưới đầu tiên trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, chắc hẳn bạn sẽ có những lúng túng trong giai đoạn này. Làm sao để kiểm soát ánh sáng? Làm sao để có những góc chụp đẹp nhất, Làm sao để tương tác với cô dâu chú rể để giúp họ tự nhiên nhất? Nên sử dụng ống kính nào, body nào?… Dưới đây là một số kinh nghiệm chụp ảnh cưới dựa trên kinh nghiệm thực tế:

1. Lựa chọn thiết bị (bao gồm body và lens):

Để đơn giản thì bài viết này sẽ không nói về đèn và hắt sáng (sẽ viết trong một bài khác để tránh bài viết quá dài).

Trên thị trường hiện nay có nhiều hãng máy ảnh như: Canon, Nikon, Sony, Leica, Fuji… Nhưng được sử dụng nhiều nhất trong chụp ảnh cưới ở Việt Nam hiện nay là 3 hãng: Canon, Nikon và Sony. Lựa chọn hãng nào cũng được, nhưng ưu tiên chọn cảm biến full frame vì cảm biến full frame có kích thước chuẩn (bằng với kích thước của film 35mm), nên bạn sẽ không phải nhân tiêu cự ống kính với hệ số crop, hơn nữa cảm biến full frame cũng cho hiệu ứng xoá phông mượt hơn. Cô dâu chú rể thì rất thích xoá phông vì ảnh nhìn lung linh hơn.

Về ống kính thì nên lựa chọn những ống kính loại tốt, đối với canon thì đó là các ống kính có dòng L. Đây là dòng ống kính chuyên nghiệp, các thấu kính được chế tạo bằng công nghệ cao nên ảnh chụp sẽ có độ trong trẻo và sắc nét. Vì vậy sẽ giúp bạn có được những tấm ảnh trong veo và nét căng. Đây là hai yếu tố rất quan trọng tác động trực tiếp đến chất lượng ảnh. Hơn nữa, ống kính xịn cũng giúp tăng tốc độ lấy nét. Nếu bạn sử dụng các hãng máy ảnh khác thì bạn nên tìm hiểu để mua được các ống kính tương đương.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

2. Kiểm soát ánh sáng:

Ánh sáng là nhiếp ảnh, nhiếp ảnh là ánh sáng. Nếu kiểm soát ánh sáng không tốt thì ảnh sẽ bị hỏng cho dù bạn có sử dụng máy móc tốt đến đâu đi nữa. Khi chụp ảnh cưới thì có một số loại ánh sáng sau: Ánh sáng tản, ánh sáng trực tiếp, ngược sáng, ánh sáng bóng râm, ánh sáng cửa số, ánh sáng môi trường, ánh sáng sân khấu, ánh sáng đèn flash… Để kiểm soát tốt ánh sáng bắt buộc bạn phải học tập và rèn luyện. Hãy tham gia các lớp học chụp ảnh cưới do người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, hãy xin đi theo các show chụp thực tế để tích luỹ kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng của bạn. Đây là vấn đề không phải một sớm một chiều, nó đòi hỏi bạn phải thực tập trong thời gian dài.

3. Chọn góc chụp:

Tại sao cùng một địa điểm mà có người chụp đẹp, có người không? Đó là do tư duy thẩm mỹ và mắt nhìn tinh tế cuả người chụp. Bạn cần rèn luyện cho mình đôi mắt quan sát sắc bén, từ toàn cảnh cho đến những vật nhỏ bé, từ góc nhìn thông thường cho đến những góc nhìn độc đáo. Nhiều nhiếp ảnh gia thường khuyên bạn nên rèn đôi mắt của mình để quan sát sự vật theo cách mà khung ngắm máy ảnh nhìn thấy. Bạn cũng nên follow những photographer nhiều kinh nghiệm để học hỏi các góc chụp của họ.

4. Chọn địa điểm:

Việc chọn được một địa điểm đẹp sẽ giúp bạn rất nhiều trong chụp ảnh cưới. Đó là lý do vì sao các ekip thường đi rất xa để có được những bối cảnh ưng ý. Trong đó phải kể đến như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Hồ Cốc, Đà Nẵng, Hà Giang, Sapa, Mộc Châu, Phú Quốc, Hồ Tràm… Nếu chụp ở thành phố thì cũng nên chọn những địa điểm có kiến trúc đẹp như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Công viên, phim trường, quán café đẹp… Vì vậy, bạn cần tìm hiểu thật nhiều địa điểm đẹp để sẵn sàng tư vấn cho khách.

5. Chọn thời gian chụp:

Chọn thời gian chụp nghĩa là chọn ánh nắng mặt trời. Nếu may mắn có thể chọn được khoảng thời gian mặt trời mọc (bình minh) và mặt trời lặn (hoàng hôn) thì bạn sẽ có được ánh sáng vô cùng huyền ảo, rực rỡ và lung linh. Đối với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh cưới thì nên tránh chụp vào thời gian giữa trưa, khi đó mặt trời chiếu từ trên đỉnh đầu xuống sẽ khiến hốc mắt bị đen, và việc kiểm soát ánh sáng cũng khó hơn. Ngoài ra, trời nắng gắt cũng khiến cô dâu chú rể dễ bị mệt mỏi, bị đổ mồ hôi, nên cũng khó tươi hơn.

6. Tương tác với cô dâu chú rể:

Giả sử bạn làm tốt cả 5 yếu tố phía trên, nhưng vì tương tác với cô dâu chú rể không tốt, khiến họ bị gượng, bị đơ thì xem như bộ ảnh bị hỏng. Trong ảnh cưới thì khoảnh khắc, biểu cảm và sự tự nhiên của cặp đôi là quan trọng nhất. Nên bạn cần tập thói quen nhẫn nại, tránh nóng vội, biết cách động viên và khích lệ để cô dâu chú rể thoải mái, bạn cũng cần tạo không khí thân thiện, dễ chịu cho buổi chụp để giải toả áp lực cho cặp đôi. Dần dần bạn sẽ biết cách giúp khách hàng của mình tự tin và thoải mái khi chụp ảnh với bạn.

Ngoài ra còn có những yếu tố quan trọng khác để mang lại một bộ ảnh cưới đó là: trang phục, phụ kiện, make-up và hair. Tuy nhiên, những nội dung này không thuộc kỹ thuật chụp ảnh nên bài viết không đề cập sâu. Nhưng là một người chụp ảnh cưới, bạn cần tìm hiểu thêm những vấn đề này để có được một buổi chụp hoàn hảo.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Trên đây là một số kinh nghiệm chụp ảnh cưới được rút ra từ thực tế, hy vọng sẽ giúp những bạn mới có được định hướng trong việc phát triển chuyên môn của mình.

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *