Trở thành nhiếp ảnh gia là một điều vô cùng thú vị, được đi đây đi đó, được tự do theo đuổi đam mê, mức thu nhập cũng khá, và luôn toát ra cái chất “nghệ” đầy cuốn hút. Nếu bạn đam mê nhiếp ảnh, thì chắc hẳn là bạn đã từng ước ao có ngày trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Vậy thì tại sao lại không, tôi đã từng có một bài viết về điều này, bạn có thể tham khảo ở đây:
Trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tại sao không?
Nhưng ở bài viết này, tôi sẽ cung cấp một góc nhìn khác, đó là phía sau ánh hào quang của một nhiếp ảnh gia là gì? Mục đích giúp cho những bạn chuẩn bị theo nghề nhiếp ảnh có được một cái nhìn chi tiết và thực tế, để từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn, gia tăng khả năng thành công nhiều hơn. Dưới đây là những thách thức chính mà một nhiếp ảnh gia sẽ phải trải qua.
1. Đầu tư máy móc rất tốn tiền. Chắc chắn rồi, làm sao bạn có thể chụp ảnh nếu không có máy ảnh và ống kính. Hơn nữa, nếu chụp chuyên nghiệp thì bạn sẽ phải mua sắm máy móc chuyên nghiệp, cộng thêm nhiều phụ kiện nữa như thẻ nhớ, pin, thiết bị ánh sáng, chân máy… Nói chung bạn sẽ phải chi hàng trăm triệu cho thiết bị là điều bình thường.
2. Tốn tiền học hỏi. Không ai tự nhiên mà biết chụp ảnh đẹp cả, đa phần các nhiếp ảnh gia đều phải học. Nhiếp ảnh là một nghề, mà đã là nghề thì phải học.
3. Thức đêm nghiên cứu. Đi học nhiếp ảnh chỉ là bước khởi đầu, để phát triển chuyên môn thì bạn buộc phải đầu tư rất nhiều công sức để nghiên cứu, thức đêm là chuyện thường xuyên xảy ra. Việc nghiên cứu không chỉ vài tháng là xong, mà nó kéo dài nhiều năm, thậm chí không bao giờ kết thúc.
4. Không có khách. Khi mới vào nghề, bạn sẽ không có khách, hoặc nếu có thì cũng rất ít. Thu nhập của bạn sẽ không đủ để trang trải cuộc sống và duy trì công việc. Vì vậy trong khoảng thời gian đầu bạn cần có một khoản tiền dự trữ để chi tiêu.
5. Học kinh doanh. Nghề nhiếp ảnh là một nghề tự doanh, nghĩa là bạn phải tự bán hàng, tự kiếm khách. Nếu không biết kinh doanh, không biết marketing và sales thì làm sao bạn bán hàng được (nghĩa là bán dịch vụ chụp ảnh). Vì vậy, bạn cần phải học kinh doanh một cách nghiêm túc nếu muốn phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.
6. Đi chụp từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Nhất là chụp ảnh cưới, để có được những tấm ảnh bình mình và hoàng hôn thì bạn sẽ phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Bạn sẽ làm việc từ trước khi mặt trời mọc và chỉ kết thúc sau khi mặt trời lặn. Đi chụp phải nói là rất mệt, vì cả ngày ròng rã, đói bụng và khát nước là chuyện bình thường.
7. Thời tiết không thuận lợi. Chuyện đang chụp gặp trời mưa xảy ra khá phổ biến, nhất là vào những tháng mùa mưa. Nhiều khi cả ekip đi thật xa để có cảnh đẹp, mọi thứ chuẩn bị xong hết để chụp thì trời đổ mưa, có khi mưa cả ngày không chụp được nên phải chụp lại vào ngày khác. Rất mất công và có khi còn bị bệnh.
8. Chiều lòng khách hàng. Để chụp được những tấm ảnh đẹp thì cảm xúc của khách hàng là vô cùng quan trọng. Nên trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng phải chiều khách, giúp khách vui vẻ thì bạn mới chụp tốt được. Vì khách mà không vui, dẫn đến chụp ảnh không tươi thì xem như cả bộ ảnh vứt đi.
9. Áp lực deadline. Thỉnh thoảng bạn sẽ nhận được những yêu cầu chụp gấp của khách hàng, hoặc khi vào mùa cao điểm chụp nhiều thì bạn sẽ cảm nhận được sự gấp gáp về thời gian. Những thời điểm như vậy, bạn phải có khả năng chịu áp lực tốt, nếu không bạn rất dễ bị stress.
10. Cạnh tranh gay gắt. Thị trường chụp ảnh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, vì có quá nhiều người mới tham gia. Cạnh tranh dẫn đến việc tìm kiếm khách hàng khó khăn hơn, chi phí marketing cũng cao hơn, đó là lý do có nhiều người phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống. Đã không gia nhập thị trường thì thôi, nhưng đã tham gia thì bạn buộc phải chấp nhận cuộc chơi thương trường.
Trên đây chỉ là những khó khăn chính, còn rất nhiều khó khăn khác nữa mà bạn sẽ phải vượt qua nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia thành công. Không chỉ riêng lĩnh vực nhiếp ảnh, mà trong cuộc sống thì nghề nào cũng vậy, để đạt được thành công luôn cần sự nỗ lực bền bỉ trong thời gian dài. Nhưng đừng vì thế mà nản chí, nếu bạn có đủ quyết tâm và kiên trì, thì kết quả mà bạn đạt được sẽ rất xứng đáng. Xin chúc bạn thành công với đam mê nhiếp ảnh của mình nhé.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com