Dịch Covid 19 đã làm điêu đứng nền kinh tế nói chung và thị trường nhiếp ảnh nói riêng. Doanh thu giảm sút nghiêm trọng đã đẩy các studio đến ngưỡng cửa sống còn. Tồn tại hay không tồn tại, làm sao để vượt qua mùa dịch an toàn? Ai cũng biết điều cấp bách cần làm ngay là cắt giảm chi phí, tiết kiệm đến mức tối đa các khoản chi. Nhưng cụ thể cắt giảm chi phí là làm những việc gì, làm như thế nào? Bài viết này chia sẻ một số cách phổ biến và hữu dụng trong giai đoạn thực tế hiện nay.
Đầu tiên, cần rà soát và liệt kê các khoản phải chi hàng tháng. Đối với ngành nhiếp ảnh thì có một số khoản chính như sau: Tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, marketing (tiền chạy quảng cáo), chi phí đầu tư, các khoản phí duy trì hoạt độn hàng ngày. Dưới đây là các biện pháp cắt giảm chi phí một cách hiệu quả ngay tức khắc.
1. Giảm chi phí mặt bằng:
- Đàm phán với chủ nhà để giảm giá thuê. Trước khi đàm phán cần phải tính được mức giá thuê (mức giá mới) mà mình có thể chịu được trong khoảng 6 tháng tới. Vì theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch Covid có thể kéo dài 6 tháng hoặc hơn. Nên mình phải cầm cự được ít nhất 6 tháng thì mới có cơ hội sống sót qua mùa dịch.
- Nếu không đàm phán được với chủ nhà thì có thể xem xét hai trường hợp: (1) cố cầm cự và mong chờ dịch chóng qua, phương án này rất rủi ro vì nếu dịch không kết thúc sớm thì xem như phải đóng cửa. (2) Mạnh dạn trả mặt bằng và chuyển sang làm online. Phương án này có thể khiến mình gặp khó khăn trong kinh doanh nhưng lại giúp mình giữ được tiền, từ đó có cơ hội sống sót vượt qua mùa dịch. Lưu ý khi trả mặt bằng thì phải tìm mọi cách để có thể lấy lại tiền đặt cọc, vì đây là trường hợp khách quan khiến hợp đồng phải huỷ, chứ không phải do bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng.
2. Giảm chi phí nhân viên:
Tuỳ theo tình hình nhân sự và tài chính của bạn để áp dụng linh hoạt những biện pháp dưới đây. Cần lưu ý nhân sự là vấn đề tế nhị, vì liên quan đến con người và mức sống của họ. Nên trước khi áp dụng biện pháp nào bạn cần giải thích rõ ràng để nhân viên hiểu và thông cảm với bạn.
- Cho tạm nghỉ không lương, sau dịch đi làm lại.
- Cho làm việc ở nhà, giảm lương từ 20% – 50%.
- Cho nghỉ những nhân sự không quá quan trọng. Những người quan trọng thì áp dụng cơ chế làm việc linh hoạt và giảm lương.
- Cho nghỉ ở nhà, trợ cấp mức lương cơ bản, giao một số việc làm online
- Trường hợp tài chính còn quá ít và không đủ trả lương, kể cả sau khi hết dịch cũng không thể tuyển dụng lại ngay. Nếu rơi vào trường hợp này thì bạn buộc phải cho nghỉ toàn bộ, một mình bạn tiếp tục chiến đấu. Hoặc nếu được bạn có thể đàm phán với một số nhân sự quan trọng tiếp tục làm việc với bạn không hưởng lương, bù lại bạn chia sẻ tỷ lệ % sở hữu studio (trong doanh nghiệp gọi là cổ phần).
- Các cách khác mà bạn nghĩ ra, miễn sao phù hợp với hoàn cảnh của bạn.
3. Giảm chi phí marketing (quảng cáo):
- Xem lại các chiến dịch quảng cáo của bạn, chỉ duy trì những chiến dịch còn hiệu quả (nghĩa là còn có lãi), đồng thời dừng ngay các chiến dịch không còn hiệu quả, hay bị lỗ.
- Đẩy mạnh các kênh marketing không tốn chi phí, đặc biệt là các kênh online. Ví dụ như: Facebook Profile (face cá nhân), Fanpage (chỉ duy trì lượt tiếp cận tự nhiên, không chạy quảng cáo), Instagram, Zalo, Youtube, website, SEO từ khoá, Tik Tok, kênh truyền miệng…
4. Dừng ngay các khoản đầu tư mới.
- Dừng ngay các khoản đầu tư mới mà bạn đã dự kiến từ trước, vì giai đoạn này giữ tiền mặt là quan trọng nhất. Chờ sau này khi thị trường ổn định thì đầu tư cũng chưa muộn.
5. Giảm chi phí hoạt động:
- Tiết kiệm tối đa đối với những khoản chi phí hoạt động hàng ngày, hàng tháng như: điện, nước, điện thoại, in ấn, café…
Ngoài ra, đối với bất cứ khoản chi phí nào phát sinh trong thời gian này, bạn cần tự hỏi xem khoản chi này có thực sự cần thiết hay không. Nếu không thì mạnh dạn cắt hết.
Ai cũng biết điều quan trọng nhất bây giờ là “sống sót qua mùa dịch”. Sau dịch chúng ta sẽ làm lại từ đầu.