Tâm thư gửi anh Cường và Bold Studio

Một lá thư tâm huyết, một vấn đề mà nhiều người gặp phải, xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm, mong những bạn đang trong tình trạng khó khăn này sớm tìm được giải pháp cho mình nhé.

Anh Cường thân mến,

Đầu thư em chúc anh cùng tập thể Bold Studio thật nhiều sức khỏe và đạt nhiều hiệu quả trong công việc ạ.

Em tên TTL, 27 tuổi, hiện tại em đang sinh sống và làm việc tại Đắc Lắc.

Hôm nay em viết thư này gửi Anh, mạo muội được trải lòng và mong muốn nhận được hồi đáp cũng như ý kiến của Anh qua email. Em hứa nếu có dịp và điều kiện em sẽ ghé tới thăm và cảm ơn Anh cũng như Bold Studio.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Anh Cường thân mến, em xuất xứ là kỹ sư ô tô, học ĐH ra trường em có làm việc ở TPHCM 2 năm nhưng đam mê nhiếp ảnh đã thôi thúc em từ bỏ mọi thứ ở TPHCM để về quê nhà khởi nghiệp với nhiếp ảnh cùng 100tr tiền vốn tích cóp trước đó.

Năm 2017, em có góp vốn làm chung cùng 2 người, mở 1 studio “cái gì cũng chụp”, có nghĩa là ko chuyên sâu vào 1 mảng nào đó mà lúc đó ai gọi chụp gì cũng chụp, quay gì cũng quay. Được 1 năm sau đó studio phá sản, em và 2 bạn mất hết tiền vốn do khách ít, sản phẩm chưa tốt, chi phí quá nhiều, khấu hao mua trang thiết bị.

Lần đầu tiên thất bại này, em nhận ra việc góp vốn làm chung thực sự rất khó – khó vì những người bạn đó ko thực sự hiểu và chia sẻ lẫn nhau, cái khó thứ 2 là bọn em còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm trong hợp tác – góp vốn – quản lý lợi nhuận nên xảy ra nhiều xích mích, mất lòng nhau. Anh cho em lời khuyên về những suy nghĩ và quan điểm trên của em nhé ạ.

Giữa năm 2018, em rơi vào khủng hoảng khi mất tất cả mọi thứ, suy tính sẽ tiếp tục quay trở lại công việc của 1 kỹ sư và từ bỏ nhiếp ảnh hiện ra trong suy nghĩ của em. Em đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định tiếp tục vay mượn, nhờ sự giúp đỡ của gia đình để tiếp tục theo đuổi nhiếp ảnh. Lần này em trở lại SG 2 tháng để tham gia workshop và theo học ảnh cưới của người thầy đầu tiên của em. Sau khi quay về Đắc Lắc, tiếp tục bỏ vốn và mở tiệm ảnh cưới tới nay, việc kinh doanh cũng không khả quan hơn là mấy anh ạ, vốn vay mượn vẫn chưa hoàn trả được. Thu nhập từ việc chụp ảnh cưới cũng chỉ đủ cho em duy trì studio chứ ko còn để dành được nhiều nữa.

Khoảng 1 tháng trước em đọc được những bài viết của Bold Academy, Bold Studio, em đã đọc rất nhiều, đọc hết tất cả những gì có thể tìm được về Bold cũng như anh Cường. Điều đầu tiên em muốn làm ngay lập tức là lại dẹp bỏ hết mọi thứ hiện tại, bắt đầu lại với những định hướng, những bài học và những kiến thức có được từ Bold suốt 1 tháng qua.

Tuy nhiên em vẫn chưa dám thực hiện, em vẫn đang tiếp tục công việc của 1 studio chụp ảnh cưới kiểu công nghiệp, nhàm chán, không có cống hiến, thu nhập vừa đủ ăn… Vì em sợ nếu bây giờ bắt đầu lại, thì đồng nghĩa với việc em đã thất bại lần thứ 2.

Anh Cường thân mến, nếu thư này của em được anh đọc, thì em mạo muội mong muốn anh hồi đáp cho em vài thắc mắc nhé anh!

– Liệu ở tuổi 27 của em mới bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh thực sự như định hướng trong các bài viết của anh và Bold Studio thì có quá muộn không ạ?

– Nếu khả năng tài chính bây giờ của em không đủ, thì em nên tiếp tục làm công việc studio hiện tại để tích lũy tài chính, hay tiếp tục trở lại SG, tìm 1 người thầy nhiếp ảnh để theo học cũng như làm thuê cho các studio lớn để tích lũy kinh nghiệm cũng như tài chính ạ?

Em rất mong nhận được ý kiến của anh.

Cuối thư, một lần nữa em chúc anh Cường và tập thể Bold Studio dồi dào sức khỏe, tạo ra những sản phẩm đẹp ưng ý và gặt hái thêm nhiều thành công mới.

Em TTL ./.

——————————

Chào bạn TTL,

Trước tiên, anh cám ơn em vì đã đọc rất nhiều bài viết chia sẻ về khởi nghiệp nhiếp ảnh của anh, anh rất vui vì những chia sẻ của mình hữu ích với mọi người.

Anh rất hiểu tình trạng công việc của em hiện tại, đây là khó khăn mà rất nhiều người gặp phải khi quyết định theo đuổi con đường chụp ảnh chuyên nghiệp. Lý do là vì đa phần mọi người chỉ học về chuyên môn chụp ảnh, mà không học về kinh doanh trong lĩnh vực này. Để đỡ tốn thời gian, anh sẽ trả lời ngay những câu hỏi của em như sau:

Câu hỏi 1:

“Lần đầu tiên thất bại này, em nhận ra việc góp vốn làm chung thực sự rất khó – khó vì những người bạn đó ko thực sự hiểu và chia sẻ lẫn nhau, cái khó thứ 2 là bọn em còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm trong hợp tác – góp vốn – quản lý lợi nhuận nên xảy ra nhiều xích mích, mất lòng nhau. Anh cho em lời khuyên về những suy nghĩ và quan điểm trên của em nhé ạ.”

Anh chúc mừng em vì đã nhận ra được vấn đề này, đây chính là nguyên nhân khiến các trường hợp “hùn hạp làm ăn” thất bại. Chỉ sau 1 lần thất bại mà em nhận ra được như vậy là quá tốt, vì thực tế có nhiều người vẫn lặp lại vết xe đổ khi khởi nghiệp lần 2, lần 3. Góp vốn làm ăn, cùng nhau khởi nghiệp không hề đơn giản một chút nào, mà nó đòi hỏi người khởi nghiệp nói chung (khởi nghiệp nhiếp ảnh nói riêng) phải có sự hiểu biết, có kiến thức và kinh nghiệm thì mới góp vốn được. Đó là lý do phần lớn các trường hợp góp vốn đều đi đến thất bại. Có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều Startup thất bại vì nguyên nhân này, trong đó có nhiều trường hợp làm ăn thuận lợi, khách hàng đông, doanh thu tốt nhưng vẫn thất bại như thường vì các thành viên sáng lập không thoả thuận được với nhau trong phân chia lợi nhuận, định hướng phát triển, cũng như điều hành công ty.

Kinh nghiệm quý giá trong góp vốn là không bao giờ góp đều nhau, nghĩa là không nên góp theo tỷ lệ 50-50 (nếu có 2 người), hoặc không góp 3 phần bằng nhau (nếu có 3 người). Mà bắt buộc phải có 1 người tâm huyết nhất, quyết tâm hành động cao nhất, có được sự kiên trì và bền bỉ để đưa công việc startup của mình đi đến thành công. Người đó phải nắm giữ trên 50% cổ phần. Ví dụ đối với trường hợp của em, thì em nên nắm 51%, số còn lại 49% chia cho 2 bạn còn lại. Khi đó Studio của em sẽ duy trì được hoạt động trong trường hợp 3 người sáng lập không thống nhất được với nhau. Giả sử Studio của em quyết định tập trung sâu vào mảng ảnh cưới, các mảng còn lại chỉ duy trì chứ không đẩy mạnh. Hai thành viên còn lại không đồng ý, từ đó không thống nhất được với nhau. Nếu như cả 3 người góp vốn bằng nhau thì sẽ không thể quyết định được, và Studio sẽ bị ngưng trệ, nếu mâu thuẫn lớn có thể dẫn đến mất lòng nhau và dẹp tiệm luôn, cả 3 đều mất trắng. Ngược lại, trong trường hợp em nắm giữ 51% vốn góp, thì em có thể sử dụng quyền góp vốn để quyết định hướng đi cho Studio, như vậy mặc dù 2 người kia có thể không đồng ý, nhưng họ vẫn phải nghe theo và Studio vẫn hoạt động được, như vậy cả 3 không bị mất gì, trong tương lai nếu Studio phát triển thì tất cả đều được hưởng lợi. Đây là việc rất quan trọng mà cả 3 cần phải làm rõ trước khi quyết định góp vốn, vì nó bảo vệ quyền lợi cho cả 3, chứ không phải bảo vệ riêng cho người góp vốn nhiều nhất. Kinh nghiệm góp vốn này rất quan trọng trong giai đoạn khởi nghiệp, và nên được áp dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực nhỏ như nhiếp ảnh. Sau này khi công ty phát triển, cần mở rộng thì không nhất thiết phải duy trì tỷ lệ như vậy nữa, mà mọi người có thể kêu gọi đầu tư để có thêm vốn phát triển, tỷ lệ nắm giữ của các thành viên sáng lập cũng sẽ giảm xuống.

Câu hỏi 2:

“- Liệu ở tuổi 27 của em mới bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh thực sự như định hướng trong các bài viết của anh và Bold Studio thì có quá muộn không ạ?

– Nếu khả năng tài chính bây giờ của em không đủ, thì em nên tiếp tục làm công việc studio hiện tại để tích lũy tài chính, hay tiếp tục trở lại SG, tìm 1 người thầy nhiếp ảnh để theo học cũng như làm thuê cho các studio lớn để tích lũy kinh nghiệm cũng như tài chính ạ?”

Thực sự là không muộn chút nào em nhé, vì anh bỏ công việc tài chính để theo đuổi nhiếp ảnh khi đã ngoài 30. Khi bắt đầu anh cũng không biết kinh doanh trong ngành này như thế nào, anh cũng đã lỗ 400 triệu trong năm đầu tiên. Sau đó anh mới bắt đầu định hướng và làm lại từ đầu, rồi từ từ mới biết cách kinh doanh như hôm nay.

Về định hướng phát triển trong tương lai, đó là một việc nên làm, Tuy nhiên, em cần phải hết sức lưu ý để tránh đẩy mình vào tình trạng rủi ro, khiến gặp thất bại thêm một lần nữa. Anh có một số góp ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân như sau:

1. Đầu tiên, em chưa trả hết nợ, thu nhập lại chỉ đủ ăn. Như vậy, nếu em bắt đầu lại từ đầu, đồng nghĩa dừng công việc hiện tại. Vậy nguồn tài chính nào sẽ giúp em duy trì cuộc sống, chưa kể còn phải trả nợ và đầu tư phát triển cho định hướng mới. Phương án này theo anh là không khả thi.

2. Một khi đang mang nợ thì rất khó làm được việc gì, vì trong đầu luôn bận tâm đến nó, cứ phải lo nghĩ để trả nợ, áp lực rất lớn. Vì vậy, trả nợ là việc nên được ưu tiên. Trả hết nợ, tâm hồn thoải mái, làm gì cũng dễ hơn. Rất may là em còn trẻ, còn thời gian để tích luỹ tiền bạc để trả nợ.

3. Công việc hiện tại của em là chụp ảnh cưới, nếu em bắt đầu lại từ đầu thì theo anh hiểu cũng vẫn là chụp ảnh cưới đúng không? Em đang nghĩ hiện tại mình chụp kiểu công nghiệp, không tạo ra giá trị, nên muốn dừng lại để chụp những bộ ảnh có giá trị nhiều hơn đúng không? Thực sự là có một chút vấn đề trong suy nghĩ này, từ đó dẫn đến những băn khoăn như hiện tại em đang phải đối mặt.

  • Đầu tiên, em tự nhận mình chụp kiểu công nghiệp, vậy tại sao em vẫn có khách hàng? Đó là do style ảnh hiện tại của em vẫn phù hợp với một phân khúc khách hàng nhất định, và họ trả tiền để mua style hình ảnh đó. Như vậy, ảnh của em vẫn có giá trị đối với khách hàng. Vậy tại sao em phải dừng việc này lại?
  • Các phân khúc khách hàng là khác nhau, mỗi phân khúc sẽ có nhu cầu style hình ảnh khác nhau. Anh hiểu là em muốn nâng cao tay nghề, để tạo ra những bộ ảnh đáp ứng được đòi hỏi của phân khúc khách hàng cao hơn, sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, và em được sáng tạo những bộ ảnh đẹp hơn theo mong muốn của em. Đây là mong muốn chính đáng của các photographer, anh ủng hộ điều này.
  • Nếu anh là em, anh sẽ không dừng công việc hiện tại. Mà anh vẫn duy trì để có doanh thu hàng tháng, kết hợp với tiết kiệm để giảm chi phí tối đa. Từ đó đảm bảo có tiền duy trì hoạt động hàng tháng, cố gắng để dành một khoản tiền, khoản này sẽ chia làm 2 phần: một phần để trả nợ, một phần để học tập nâng cao tay nghề. Như vậy, sẽ đảm bảo được 4 mục tiêu cùng lúc: (1) Duy trì được hoạt động của studio và sinh hoạt phí của cá nhân hàng tháng, (2) Có tiền trả nợ, cứ từ từ sẽ hết, (3) Để dành tiền học tập nâng cao tay nghề, (4) Đảm bảo được định hướng phát triển trong tương lai bằng cách vừa làm vừa học, cố gắng từ từ nâng cao chất lượng hình ảnh, hướng đến style hình ảnh mà mình mong muốn.
  • Như vậy, vấn đề là phải duy trì được hoạt động kinh doanh hiện tại, cố gắng học cách marketing hiệu quả, tiết kiệm chi phí tối đa, quản lý thời gian hiệu quả nhất, làm sao giải quyết hết công việc hiện tại trong ngày, còn buổi tối dành cho nghiên cứu, xây dựng và thực hiện kế hoạch mới. Đây chính là cách mà anh vẫn đang áp dụng hiện nay, ban ngày anh cố gắng làm hết việc của Bold Studio, để buổi tối có thời gian viết bài chia sẻ về khởi nghiệp nhiếp ảnh cho anh em photographer, và có thời gian trả lời email này của em.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Để có được một công việc nhiếp ảnh tốt, thì chụp đẹp là chưa đủ, mà cần phải biết kinh doanh trong ngành ảnh nữa. Ngoài ra, còn phải biết tổ chức cuộc sống, quản lý thời gian hiệu quả, đặc biệt là phải chịu khó, kiên trì và tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn. Chúc em sớm tìm được con đường riêng cho mình và luôn duy trì được đam mê nhiếp ảnh nhé.

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *