Chắc hẳn là khi theo đuổi nghề nhiếp ảnh, thì không photographer nào nghĩ là sau này mình lại bỏ nghề cả. Cái tâm lý khi mới bắt đầu một điều gì đó luôn cho người ta rất nhiều cảm hứng, với nguồn năng lượng hừng hực để bắt đầu dấn thân. Nhưng thực tế lại luôn tồn tại những chuyện đáng buồn, đó là hàng ngày vẫn có không ít studio đóng cửa, không ít photographer bỏ nghề chụp ảnh và chuyển sang làm công việc khác.
Nếu không tự trải qua thì sẽ không cảm nhận được cái việc bỏ nghề gây ra cho mình sự mất mát lớn như thế nào. Ngoài việc tốn tiền, tốn thời gian và công sức trong nhiều năm, thì người photographer sẽ phải bắt đầu một công việc khác, mọi thứ lại bắt đầu với con số không. Chưa kể sự mất mát lớn nhất có lẽ là niềm tin bị ảnh hưởng rất nhiều, đó là niềm tin mình có thể sống được với đam mê, nhưng cuối cùng thì lại không. Nó giết chết một lý tưởng, một khát vọng, một đam mê.
Vậy điều gì khiến cho các photographer phải bỏ nghề? Sẽ có nhiều nguyên nhân vì mỗi người mỗi hoàn cảnh. Nhưng có một số nguyên nhân chính mà nhiều người thường vấp phải như:
Không có khách hàng. Trong kinh doanh thì sợ nhất là không có khách hàng, vì nó đồng nghĩa với không có doanh thu, và sẽ bị lỗ. Nếu không có biện pháp khắc phục thì chỉ một thời gian ngắn là sẽ hết vốn, dẫn đến đóng cửa là điều dễ hiểu. Để tránh rơi vào hoàn cảnh này thì trước khi bắt đầu, người photographer cần phải hiểu rằng một khi đã tham gia vào thị trường chụp ảnh, thì chuyên môn chụp ảnh là chưa đủ để hành nghề, mà còn cần thêm chuyên môn kinh doanh, marketing và sales nữa. Nghề photographer là một nghề mà mình tự sản xuất (chụp ảnh) và tự bán hàng (bán dịch vụ chụp ảnh). Nên nó đòi hỏi người photographer phải giỏi cả hai. Nghĩa là phải đóng hai vai, một vai là nghệ sĩ nhiếp ảnh, và một vai là doanh nhân khởi nghiệp. Để hiểu kỹ hơn, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây:
Chân dung hai mặt của một photographer
Không còn đam mê. Đến với nhiếp ảnh là vì đam mê, nhưng nếu đam mê không còn thì sao? Trong kinh doanh, không thể chỉ dùng đam mê để làm động lực được, vì nếu như thế, một khi hết đam mê thì bỏ cuộc hay sao? Có một điều chắc chắn rằng, tất cả những người thành công trên thế giới này đều là những người kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc. Đối với họ thì sự bền bỉ là quan trọng nhất, đam mê có thể không còn, nhưng họ vẫn không bao giờ bỏ cuộc. Một khi đã xuất phát thì phải có trách nhiệm về đích. Thành công không bao giờ đến với những người đam mê nhưng lại không kiên trì. Thành công chỉ đến với những người xứng đáng mà thôi.
Thu nhập quá thấp. Bạn là một photographer chăm chỉ, nhưng thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống, khiến bạn phải tìm công việc khác có mức thu nhập cao hơn. Nếu gặp trường hợp này thì hãy hỏi tại sao vẫn có những photographer khác họ có mức thu nhập khá, vậy tại sao mình lại không được như họ? Liệu còn điều gì đó mà mình chưa biết, còn việc gì đó mà mình chưa làm để có thể đạt được điều mình muốn? Nếu chịu nghiên cứu và học hỏi, bạn sẽ sớm tìm ra được bí mật đó. Chỉ khi nào gắn bó với nghề đủ lâu thì bạn mới hiểu đủ sâu.
Cuối cùng, khi nào có ý định bỏ cuộc thì hãy nghĩ đến lý do vì sao bạn bắt đầu? Nếu chuyển qua một nghề mới thì bạn cũng phải bắt đầu lại từ đầu. Nghề nào cũng có khó khăn của nó, muốn thành công luôn phải có sự nỗ lực tương xứng. Thay vì bỏ nghề, hãy nhìn lại bạn đã đi được bao xa, đã làm được những gì, có phải bạn đang có lợi thế hơn so với lúc bạn mới bắt đầu không? Rõ ràng là bạn cũng đã làm được khá nhiều việc rồi đấy chứ, cũng đã đi được một đoạn khá xa rồi đấy chứ. Vấn đề hiện tại là bạn chưa tìm ra được giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt mà thôi. Như vậy, thay vì bỏ cuộc và phải bắt đầu lại từ con số không, thì tiếp tục công việc hiện tại có phải hay hơn không.
Tôi viết bài này vì mong muốn truyền động lực cho những người đang nỗ lực tìm kiếm con đường riêng cho mình. Trong những lúc khó khăn, đọc được một bài viết đồng cảm sẽ giúp mình có thêm sức mạnh để bước tiếp. Bài viết không dành cho những người đã không còn muốn cố gắng nữa.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com