DOF là gì?
Hôm nay mình sẽ chia sẻ về DOF (Depth Of Field), dịch ra tiếng Việt là Độ sâu trường ảnh, hay nhiều người còn gọi là Vùng ảnh rõ. DOF chính là khoảng không gian mà ảnh rõ nét, ngoài khoảng không gian này thì ảnh sẽ bị mờ. Khoảng không gian này có thể nông hay sâu, nếu DOF sâu nghĩa là vùng ảnh rõ trong ảnh sẽ sâu, nếu DOF nông thì vùng ảnh rõ trong ảnh sẽ nông.
Người ta thường ứng dụng DOF để chụp ảnh xoá phông, phổ biến nhất là trong ảnh chân dung và ảnh Macro, trong đó chỉ có nhân vật là nét, còn bối cảnh thì sẽ mờ (xoá phông). Như vậy để xoá được phông thì chúng ta sử dụng DOF nông, DOF càng nông thì phông sẽ bị xoá càng nhiều (nhiều bác còn gọi là xoá phông mù mịt).
Trong chụp ảnh phong cảnh, cần nét từ đầu đến cuối, thì sử dụng DOF sâu, càng sâu càng tốt để ảnh nét từ ngoài vào trong, nói chung chỗ nào cũng nét. Như vậy, việc sử dụng DOF nông hay sâu là tuỳ thuộc mục đích chụp, bác nào thích chụp teen xoá phông thì cứ DOF nông mà sử dụng, còn bác nào chuyên trị phong cảnh thì chắc chắn phải dùng DOF sâu.
Để chỉnh DOF thì ta chỉnh 3 thông số sau
- Tiêu cự ống kính: Tiêu cự càng xa (càng tele) thì DOF càng nông, tiêu cự càng ngắn (wide) thì DOF càng sâu.
- Khẩu độ: Khẩu độ càng lớn thì DOF càng nông, khẩu độ càng nhỏ thì DOF càng sâu
- Khoảng cách từ máy đến nhân vật: Khoảng cách càng gần thì DOF càng nông, khoảng cách càng xa thì DOF càng sâu.
Đây là 3 thống số mà bắt buộc bạn phải học thuộc lòng nếu muốn kiểm soát DOF, cũng không khó đâu, bạn chụp một hồi là sẽ quen và trở thành tự động luôn. Một số gợi ý điều chỉnh các thông số như sau:
- Nếu bạn chụp teen xoá phông, xoá càng mịt mù càng tốt thì chỉnh như sau: Một là vặn tele hết cỡ, hai là mở khẩu thật lớn (lưu ý không nên lớn quá f2.0 vì có thể sẽ khiến ảnh bị mờ), ba là đứng gần mẫu nhất có thể. Với cách làm này thì bạn sẽ xoá phông tối đa.
- Nếu bạn chụp phong cảnh và muốn DOF sâu, nét từ ngoài vào trong, thì chỉnh như sau: Một là chọn lens wide (16mm – 35mm chẳng hạn), hai là khép khẩu (nhỏ hơn f9 càng tốt), ba là đứng xa chủ thể. Như vậy bạn sẽ có được tấm ảnh nét từ ngoài vào trong, trừ trường hợp bạn chụp bị rung tay.
Nguyên lý chỉ đơn giản như vậy, nhưng thực tế thì không phải muốn nông thì được nông, muốn sâu thì được sâu. Mà nó phụ thuộc rất nhiều vào lens (ống kính). Thường thì những ống kín xịn mới giúp bạn có được DOF như ý muốn.
- Đối với chụp teen xoá phông: Những ống kính sau sẽ cho bạn DOF nông và xoá phông tuyệt vời: 70-200mm f2.8, 135mm f2.0, 85mm f1.2…
- Đối với chụp phong cảnh: Những ống kính sau sẽ cho chất lượng ảnh nét và trong: 16-35mm, 24mm, 35mm, 24-70mm…
Những ống kính dòng cao cấp sẽ mang lại chất lượng tốt, ảnh nét và trong, xoá phông mịn, nhưng nhược điểm là đắt tiền. Mềm hơn thì có dòng trung cấp và dòng phổ thông, giá rẻ hơn nhưng chất lượng thì kém hơn. Bài viết này tập trung vào DOF chứ không tập trung vào việc tư vấn mua thiết bị, nên xin phép không đi sâu hơn vào thiết bị.
Để kiểm soát DOF thì bạn nên thực hành nhiều, nếu có điều kiện thì có thể trải nghiệm những ống kính dòng cao cấp, bảo đảm chụp là nghiền. Sau một thời gian thực hành nghiêm túc thì mình chắc chắn bạn sẽ thành thạo về DOF, vì thực tế là không hề khó. Xin chúc bạn chụp được nhiều tấm ảnh ưng ý và hẹn gặp bạn trong các bài viết tiếp theo.