Báo VnExpress.net: Người phụ nữ ra tối hậu thư khi bạn trai Việt kiều muốn ‘bùng’ cưới
Yêu xa, đến ngày phải về nước kết hôn thì bạn trai Canada bàn lùi, chị Hằng nói với anh: ‘Anh cưới em thì về nước, không thì đừng’.
Trở về Canada sau đám cưới ở Việt Nam đầu tháng 6 vừa qua, gặp ai anh Võ Tiến Đức (gốc Việt) cũng đem ảnh vợ, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, ra khoe. Anh say mê kể về chị, một người phụ nữ “bề ngoài hiền lành, bên trong mạnh mẽ, lanh lợi, tốt bụng”. Vốn tính hay đùa, tình yêu càng làm cho anh Đức thêm sôi nổi. Anh thấy mình trẻ lại, rạo rực như tuổi đôi mươi.
“Múi giờ ở đây chênh với Việt Nam 12 tiếng, sắp xếp nói chuyện được với nhau không dễ, nhưng một ngày ít nhất tôi phải gọi cho Hằng 3 lần”, anh Đức, 52 tuổi, hiện là thanh tra trong một hãng dược lớn ở Canada nói.
Anh Đức theo gia đình định cư ở thành phố Montreal (Quebec) gần 40 năm. Luôn muốn tìm cô gái hợp với mình nên hơn 50 xuân xanh, anh vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Ngoài thời gian đi làm, anh đi lễ, đôi lúc cũng chạnh lòng thấy người ta có đôi…
Ở TP HCM, chị Thúy Hằng, 42 tuổi không nghĩ sẽ đi bước nữa sau chục năm rời khỏi cuộc hôn nhân đầu. Năm 2015, đang yên ổn với vị trí quản lý hàng hóa cho một công ty thiết bị vệ sinh, chị Hằng bỏ hết để quay về bán nước mắm quê nhà. Từ chỗ góp nhặt từng đồng tiền lẻ, đến giờ sau 4 năm, thương hiệu do chị làm chủ đã có mặt trên kệ của hàng chục siêu thị và cửa hàng. “Tôi chuyên tâm nuôi con và làm kinh tế, chuyện tình cảm không cưỡng cầu”, chị nói.
Mọi việc bắt đầu khi người quen đang sống ở Canada gọi về cho Hằng, muốn giới thiệu cho anh Đức, vì thấy hai người khá hợp nhau. Tháng 8/2018, cuộc trò chuyện đầu tiên của họ diễn ra.
Mặc dù đột ngột, anh Đức cảm thấy chị Hằng hay cười, dễ thương, còn chị thấy anh hiền lành, vui tính. “Dịp đó tôi đang nghỉ phép, mỗi tối lái xe hơn chục km đến nhà người bạn nhờ điện thoại gọi về cho Hằng, vì chưa biết xài mạng xã hội”, anh Đức kể.
Càng nói chuyện, anh càng thấy chị chung nhiều suy nghĩ với mình, như đã yêu thì phải tin tưởng tuyệt đối, cùng thích đọc sách, yên tĩnh và hay giúp đỡ người khác. “Nhiều lúc suy nghĩ trong đầu tôi chưa kịp nói ra thì cô ấy đã nói hộ”, anh nói.
Chị Hằng quan sát thì thấy 10 bữa sáng như một, anh Đức đều uống một ly sữa và ăn ruột bánh bông lan. Chị thắc mắc ‘Anh ăn hoài không ngán sao?’ thì nhận được câu trả lời ‘Anh là người thích sự chung thuỷ, không thích thay đổi, nên em yên tâm anh sẽ chung thuỷ với em”.
Tháng 10/2018, anh Đức ngỏ lời: “Chúng mình đã hợp tính như vậy, đến với nhau đi”. Từ lúc đó, cả hai xác định yêu là cưới.
Nhờ có mạng xã hội, anh Đức thấy mọi niềm vui xảy ra trong ngày đều có thể chia sẻ với người bạn gái cách nửa vòng trái đất. Tết Nguyên Đán năm đó, anh dùng điện thoại “dẫn” chị đến hội chợ Tết ở nhà thờ. Đang ăn cơm ở cơ quan, anh căn giờ để gọi về nước, cùng chị đếm ngược thời khắc Giao thừa. Còn chị Hằng đã học giáo lý, sẵn sàng theo đạo của anh.
Cuối tháng 2 vừa qua, anh Đức đặt vé về Việt Nam, kế hoạch kết hôn, tổ chức cưới đã lên sẵn. Tuy nhiên, khi chia sẻ ý định này với các chú và hai em, anh nhận được lời khuyên “phải gặp mới cưới”. Rất nhiều sự lo lắng, nhiều câu hỏi khiến anh Đức bị lung lay.
Chị Hằng vẫn nhớ buổi sáng ngày 3/3, vừa ngủ dậy liền nhận được điện thoại từ người thương. Không chào như mọi ngày, anh đi thẳng vào vấn đề. “Anh có chuyện muốn nói với em. Anh sẽ về Việt Nam thăm em như đã hứa nhưng việc cưới hãy để lại kỳ sau nếu như mình gặp nhau thấy hợp”.
Chị Hằng bàng hoàng, nước mắt trào ra, ấm ức và giận dữ cùng lúc bùng lên. Chị nói: “Em là phụ nữ, gia đình em cũng nói ra nói vào như gia đình anh. Nhưng em biết mình đang làm gì. Hạnh phúc là của mình, do mình quyết định, tìm được rất khó mà tìm được người phù hợp còn khó hơn. Em kiên định với lựa chọn của em không hối hận. Tại sao anh lại thay đổi?”.
Chị cho anh một tuần suy nghĩ: “Nếu về Việt Nam thì cưới luôn, còn không cưới thì đừng về, tốn tiền, tốn sức của anh”. Cả hai giao ước trong những ngày đó không gọi điện, nhắn tin cho nhau.
Anh Đức như đứng giữa ngã ba đường. Lời của ai cũng có lý. Suốt một đêm anh trằn trọc, tự hỏi: “Hằng có phải thật sự là người sẽ đi cùng mình đoạn đường còn lại của cuộc đời không?”, “Có phải mình muốn sống cùng cô ấy không?”…
“Tôi mê man giữa muôn vàn câu hỏi. Chợt tôi nhận ra bị thiếu vắng một cái gì đó. Trong tôi thôi thúc đi tìm, nôn nóng phải gặp lại. Sau một hồi tôi òa ra: một ngày rồi không được nghe giọng cô ấy, không được nhìn thấy mặt cô ấy. Lúc đó tôi biết mình yêu cô ấy, muốn sống với cô ấy biết bao”, anh nhớ lại giây phút đó.
Anh vơ vội điện thoại gọi cho chị: “Em ơi, em nói đúng, hạnh phúc là của mình, không ai sống cho mình cả. Anh về và chúng ta sẽ cưới!”. Trong lời nói của anh không còn chút do dự nào. Ở bên này, nước mắt chị Hằng không ngừng tuôn.
Cuối tháng 5 vừa qua, anh Đức về Việt Nam. Ở phi trường, đứng trước người con gái mình yêu lần đầu trong đời, anh trở nên lúng túng và ngại ngùng. Đến cái ôm trao cho nhau cũng là chị chủ động.
Dù vậy, gặp nhau họ thấy như đã quen nhau tự kiếp nào. Ở ngoài đời chẳng khác gì trong video họ nhìn thấy nhau gần một năm qua. Xa quê 39 năm, anh Đức vẫn giản dị, thích ăn cơm canh, cá kho. Chị Hằng thì yêu cái cách quan tâm rất dễ thương của anh dành cho mình, đó là mỗi lúc đi xe anh luôn đưa vai và kê tay dưới đầu để chị ngủ được ngon.
“Bẩm sinh tôi đã hài hước, từng câu nói đều có thể chơi chữ được. Trước trong ca đoàn hay cơ quan, tôi luôn là người chọc cười mọi người. Giờ thì tôi luôn muốn cô ấy cười”, anh Đức chia sẻ.
Trong hơn 20 ngày anh ở Việt Nam, họ đã cùng đi Rạch Giá, Phú Yên, Đà Nẵng, Huế… thăm lại người thân, bạn bè, hay mái trường từng học.
Họ cũng đăng ký kết hôn và tổ chức một đám cưới nhỏ. Trong buổi hôm đó, anh Đức nhìn vào mắt vợ, chẳng ngại nói trước bao người: “May nhờ quyết định cứng rắn của em, anh mới cưới được người vợ tuyệt vời là em”…
Phan Dương