Nhiếp ảnh cơ bản: Chuyên đề bố cục trong ảnh chân dung
Một trong những bí quyết giúp chụp ảnh đẹp chính là quan tâm đến bố cục. Bố cục chính là sắp xếp sự tương quan giữa chủ thể (nhân vật chính) với bối cảnh xung quanh, giúp truyền tải được thông điệp mà người nhiếp ảnh muốn thể hiện. Trong nhiếp ảnh cơ bản, việc tìm hiểu về bố cục để ứng dụng khi chụp là một điều quan trọng, nó giúp những người mới chơi ảnh nắm được những nguyên tắc cơ bản để tuân theo. Đối với những nhiếp ảnh gia có nhiều kinh nghiệm, thì việc tuân theo bố cục đôi khi không còn quan trọng, vì nhiếp ảnh là bộ môn sáng tạo, nên có khi việc phá đi các bố cục truyền thống lại giúp bức ảnh trở nên độc đáo hơn, ấn tượng và có giá trị hơn. Tuy nhiên, đối với những người đang học nhiếp ảnh ở cấp độ cơ bản, thì việc tuân theo các bố cục chuẩn là việc nên làm, vì nó giúp mọi người có cơ sở để bám vào khi thực hành.
Đối với chụp ảnh chân dung thì chủ thể là nhân vật chính, là đối tượng được tập trung nhiều nhất và nổi bật nhất trong một bức ảnh. Vậy ta nên sắp xếp nhân vật nằm ở vị trí nào trong một bức ảnh? Dưới đây là một số bố cục cơ bản:
1. Nhân vật nằm ở giữa khuôn hình:
Còn nhớ ngày xưa khi tham gia các lớp nhiếp ảnh cơ bản, tôi thường được dạy bố cục 1/3 là bố cục được sử dụng nhiều nhất, vì nó giúp nhân vật được đặt vào điểm dễ thu hút nhất trong một bức ảnh. Tuy nhiên, khi hành nghề thực tế, tôi lại thấy nhân vật được đặt ở giữa bức ảnh lại thường được sử dụng hơn. Việc đặt nhân vật vào giữa bức ảnh giúp tạo cảm giác cân bằng, mắt người xem bị thu hút ngay vào nhân vật.
2. Bố cục 1/3 hoặc 2/3
Bố cục này chia bức ảnh làm 3 phần bằng nhau (có thể theo chiều ngang hoặc chiều dọc), rồi đặt chủ thể vào vị trí 1/3 hoặc 2/3 của bức ảnh.
3. Bố cục điểm sáng nhất
Trong một bức ảnh thì điểm sáng nhất sẽ thu hút ánh mắt người xem mạnh nhất, nên đặt chủ thể vào điểm sáng nhất sẽ gây được sự chú ý nhất.
4. Bố cục Framing
Sử dụng các yếu tố tạo thành khung trong bức ảnh, sau đó đặt chủ thể vào trong khung khi chụp
5. Bố cục đường dẫn
Sử dụng các yếu tố như con đường, đường cong, ánh sáng… dể dẫn mắt người xem di chuyển về phía chủ thể
6. Bố cục chuyển động
Đưa chuyển động vào trong bức ảnh, giúp người xem cảm nhận được nhân vật đang chuyển động
7. Bố cục đường chân trời
Sử dụng đường chân trời cắt ngang chính giữa bức ảnh, hoặc cắt 1/3 bức ảnh
Ngoài ra, còn một số bố cục khác như bố cục tương phản, bố cục tam giác, bố cục hình thang, bố cục hình xoắn trôn ốc, bố cục layer… Các bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin về các bố cục này sau khi đã sử dụng thành thạo các bố cục phía trên.
Kinh nghiệm sử dụng bố cục:
Trong các lớp nhiếp ảnh cơ bản, người chụp có thể tuân theo các bố cục cơ bản ở trên, cố gắng nắm vững bố cục thông qua thực hành nhiều. Sau này khi hành nghề, nhờ việc đã quen chụp theo bố cục nên bạn có thể nhanh chóng chụp được một bức ảnh, tránh việc suy nghĩ quá nhiều trước khi bấm máy. Vì sự chần chừ sẽ khiến bạn mất đi những khoảnh khắc giá trị. Đối với chụp ảnh chân dung, nhất là chụp ảnh chân dung thương mại thì khoảnh khắc đóng vai trò quan trọng hơn các yếu tố kỹ thuật nhiều.
Sau này khi đã có nhiều trải nghiệm, bạn hoàn toàn có thể phá bỏ các nguyên cơ bản. Vì nguyên tắc sinh ra là để phá bỏ, miễn sao bạn chụp ảnh có định hướng, biết được chủ ý muốn thể hiện, xác định rõ câu chuyện muốn kể thông qua bức ảnh của bạn. Đối với những người chụp ảnh thương mại, thì điều quan trọng là đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nên hãy đảm bảo ảnh của bạn luôn hướng đến phân khúc khách hàng mà bạn nhắm đến, có như vậy thì công việc nhiếp ảnh của bạn mới phát triển được.
Bài viết này thuộc level nhiếp ảnh cơ bản, dành cho những người mới chơi ảnh tham khảo, xin chúc bạn hạnh phúc trên hành trình chinh phục niềm vui nhiếp ảnh của mình.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com