NÀY CÁC NHIẾP ẢNH GIA: ĐỪNG BAO GIỜ PHÁ GIÁ CHỤP ẢNH

Câu chuyện bắt đầu như sau:

Ở một thành phố nọ, có một nhóm nhiếp ảnh gia, tất cả đều hoạt động trong lĩnh vực chụp ảnh thương mại, nghĩa là chụp ảnh lấy tiền, hay còn gọi là kinh doanh chụp ảnh.

Người dân trong thành phố có khá nhiều sự lựa chọn mỗi khi có nhu cầu chụp ảnh, họ thoải mái chọn cho mình những studio, nhiếp ảnh gia có phong cách nghệ thuật và dịch vụ phù hợp. Thế rồi có một nhiếp ảnh gia phát hiện ra rằng, nếu mình giảm giá một chút, chụp rẻ hơn các studio, nhiếp ảnh gia khác, thì lượng khách hàng của mình sẽ tăng lên, tiền kiếm được cũng nhiều hơn. Thế là anh ta bắt đầu hành động.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Hậu quả là những nhiếp ảnh gia hàng xóm bị giảm lượng khách hàng, thu nhập trở nên ít hơn. Mọi người không hiểu nguyên nhân tại sao, không lẽ người dân đã giảm nhu cầu chụp ảnh hay sao? Nhưng chỉ vài ngày sau, họ đã phát hiện ra có một người phá giá để chuộc lợi. Rất tức giận, thế là đồng loạt cùng giảm giá để giành lại khách hàng. Cuộc chiến cạnh tranh lại cân bằng như trước.

Không dừng ở mức đó, anh chàng phá giá đầu tiên lại tiếp tục giảm giá thêm nấc nữa, rồi mọi người cũng chạy theo vì không muốn mất khách. Cuộc chiến không có hồi kết. Cho đến một ngày…

Những studio, nhiếp ảnh gia trong thành phố bắt đầu nhận ra mình làm việc rất vất vả, nhưng thu nhập thì không tương xứng. Đôi khi thu không đủ bù cho chi phí, có những thời điểm họ bị lỗ. Họ bắt đầu chán nản, mất niềm tin vào công việc mà mình đang theo đuổi, họ không còn động lực như trước đây. Chất lượng và dịch vụ cũng giảm theo, khách hàng cũng không còn hài lòng với chất lượng và dịch vụ mà họ nhận được. Cứ như thế, cả thị trường chụp ảnh đều thất bại. Không có ai được hưởng lợi, kể cả khách hàng cũng bị thiệt.

Các hãng chế tạo máy ảnh, những nhà in ảnh cũng bị vạ lây, hầu như toàn thị trường ảm đạm. Mọi việc trở nên đen tối, không lối thoát. Nguyên nhân chỉ vì một hành động thiếu suy nghĩ và tầm nhìn ngắn hạn, để rồi lây lan như virus.

Đó chỉ là câu chuyện giả tưởng, vì thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện trên vẫn đúng 50%.

50% đúng đó là gì? Đó chính là sự đi xuống của những nhiếp ảnh gia chụp phá giá. Những người chụp phá giá chắc chắn sẽ bị thiệt hại lớn về lâu dài. Khi chấp nhận chụp giá thấp, đồng nghĩa với việc phải làm lụng vất vả hơn, phải chụp nhiều hơn thì thu nhập mới bù lại được. Từ đó sẽ dẫn đến mệt mỏi hơn, chi phí bỏ ra cũng nhiều hơn, và một điều chắc chắn là chất lượng và dịch vụ sẽ bị giảm. Giá càng đi xuống thì chất lượng và dịch vụ cũng xuống theo tương xứng. Khách hàng chắc chắn sẽ không hài lòng, họ chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại, việc giới thiệu cho bạn bè lại càng không. Để bù lại thì bạn sẽ phải tăng chi phí cho marketing, quảng cáo, lại ảnh hưởng đến thu nhập. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát, tương lai gần như đã được định sẵn: đóng cửa, bỏ nghề.

Tin vui là câu chuyện trên có 50% là sai. Đó là không phải ai cũng phá giá. Vẫn còn đó những nhiếp ảnh gia thông minh, họ hiểu về kinh doanh và tâm lý khách hàng. Họ nhất quyết không giảm giá. Thay vào đó họ giữ khách bằng việc nâng cao chất lượng, càng ngày càng chụp ảnh đẹp hơn, phục vụ khách hàng chu đáo và tận tâm hơn. Thời gian đầu có thể họ bị ảnh hưởng bởi những hành vi phá giá của đối thủ. Nhưng đó chỉ là trong ngắn hạn. Trong dài hạn khách hàng bắt đầu nhận ra và quay lại với những nhiếp ảnh gia, studio uy tín. Mặc dù giá không giảm, thậm chí còn tăng thêm (vì chất lượng và dịch vụ tăng nên giá tăng là điều đương nhiên).

Thị trường bắt đầu đào thải những người phá giá, và cơ hội cho những nhiếp ảnh gia thông minh càng ngày càng lớn hơn. Với thương hiệu và sự uy tín đã được thừa nhận, họ ung dung phát triển công việc của mình. Càng ngày thu nhập càng tăng, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn. Niềm đam mê vẫn tiếp tục bùng cháy mạnh mẽ hơn. Tôi gọi đó là những nhiếp ảnh gia chân chính.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Một câu chuyện do tôi tự nghĩ ra, nó phản ánh một góc nào đó của thị trường nhiếp ảnh hiện nay tại Việt Nam. Với mong muốn cùng nhau xây dựng một thị trường lành mạnh, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Nên tôi mạnh dạn chia sẻ bài viết này. Rất mong được các studio, các nhiếp ảnh gia đồng nghiệp ủng hộ, chung vai.

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *