Nhiếp ảnh là một công việc xuất phát từ niềm đam mê. Hầu như mọi người khi đến với nghề nhiếp ảnh và ở lại được lâu với nghề đều phải có niềm đam mê trong lòng. Trở thành một nhiếp ảnh gia có lẽ là một điều vô cùng thú vị, pha lẫn sự tự hào mà mỗi khi cầm máy trên tay và bắt đầu bấm nút. Tuy nhiên, để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực chụp ảnh thương mại thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Có rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua, có rất nhiều công việc cần phải làm. Đam mê thôi chưa đủ, nó còn đòi hỏi nhiều thứ khác nữa.
Trong những năm tháng theo đuổi nghề nhiếp ảnh của mình, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người đam mê có thừa, chụp cũng rất đẹp, chi khá nhiều tiền cho máy móc xịn. Nhưng không tài nào trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp được. Mọi thứ chỉ dừng lại ở sở thích, ở đam mê. Cần làm rõ thế nào là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp? Theo quan điểm cá nhân tôi, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là người lấy nhiếp ảnh làm công việc chính, thu nhập từ nhiếp ảnh là nguồn thu nhập chính.
Để sống với đam mê nhiếp ảnh thì nguồn thu nhập từ nhiếp ảnh phải đủ để trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, và phải có tích luỹ cho tương lai. Nhiếp ảnh chính là công việc mà ta làm hàng ngày, thay cho việc phải đi làm cho công ty, tổ chức khác. Đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thành công, họ còn kiếm được rất nhiều tiền từ nhiếp ảnh, cuộc sống tài chính khá thoải mái. Từ đó lại có thêm điều điện để đầu tư, để nâng đam mê lên tầm cao hơn, và để công việc ngày càng phát triển hơn.
Có thể thấy rằng, đam mê cho ta động lực để nghiên cứu, học hỏi, và không ngừng rèn luyện để sáng tạo ra những tấm ảnh đẹp nhất. Nhưng những tấm ảnh đó tự thân không thể biến thành tiền đề giúp ta có thu nhập và tiếp tục theo đuổi đam mê. Vì vậy, ta cần phải làm thêm một công việc nữa, cũng rất tốn thời gian và công sức. Đó là công việc kinh doanh trên sản phẩm đam mê của chúng ta. Nói cho dễ hiểu là chúng ta phải marketing và bán dịch vụ chụp ảnh của mình cho khách hàng.
Rất nhiều người chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh cho vui, hay chụp ảnh cho đam mê. Mà không thể sống được bằng nghề chụp ảnh, đó là vì họ không sẵn sàng làm công việc thứ 2 – công việc kinh doanh trên đam mê. Cũng có nhiều người lập nghiệp với nghề nhiếp ảnh, nhưng cũng không trụ được lâu, đó là vì họ chưa biết cách làm kinh doanh trong nghề này sao cho hiệu quả. Dẫn đến thu không đủ bù chi, từ từ hết vốn và phải dừng lại.
Tôi thấy nhiều người có những điểm khởi đầu khá giống nhau. Ban đầu vì thích mà tìm hiểu về nhiếp ảnh, đầu tư những chiếc máy ảnh đầu tiên. Sau đó nhờ rèn luyện mà dần lên tay, ảnh bắt đầu đẹp hơn. Sau đó tiếp tục nâng cấp máy móc xịn hơn, chụp mẫu đẹp hơn, đầu tư concept hơn, và nhận được nhiều lời khen ngợi hơn. Dần dần có người liên hệ thuê chụp ảnh, và bắt đầu kiếm được tiền, mặc dù không nhiều. Nhưng rất nhiều photo chỉ dừng lại ở mức này, tạm gọi là mức nghiệp dư. Vì chưa biến nhiếp ảnh thành công việc chuyên nghiệp.
Vậy đâu là lý do khiến chúng ta phải dừng ở mức nghiệp dư ấy? Vì sao ta không có nhiều khách hàng hơn? Vì sao không kiếm được nhiều tiền hơn? Trong những năm làm việc chuyên nghiệp trong nghề ảnh, tôi nhận ra có khá nhiều lý do cản trở chúng ta. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là vì ta chưa biết cách để trở thành chuyên nghiệp.
Cần phải hiểu rõ cách chúng ta làm việc chuyên nghiệp sẽ khác với cách chúng ta làm việc vì đam mê.
Làm việc vì đam mê thì thường là làm theo cảm hứng, khi nào rảnh, khi nào thích ta mới làm. Còn khi làm việc chuyên nghiệp thì hoàn toàn ngược lại. Đây là công việc, là dịch vụ, sản phẩm mà chúng ta bán cho khách hàng và thu tiền. Vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm làm trọn vẹn, tận tâm, đúng chất lượng và đúng thời hạn cam kết. Chúng ta phải làm việc nghiêm túc giống như nghiêm túc với chính cuộc sống của chúng ta vậy. Nếu làm hời hợt thì kết quả cũng hời hợt, hình ảnh sẽ không để đẹp được, khách hàng cũng không thể hài lòng được. Đó là lý do vì sao không có khách hàng.
Quay lại cái ngưỡng để giúp mọi người chuyển từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp. Ở cái ngưỡng đó, khi niềm đam mê vẫn đang rất nhiều, khi lượng khách vẫn còn rất ít. Ta nên dành thời gian để chuẩn bị một số thứ như gợi ý dưới đây, đây chính là những yếu tố nhỏ nhưng giúp khách hàng khi nhìn vào sẽ thấy ta là người nghiêm túc và chuyên nghiệp:
- Hình ảnh cá nhân: Hình ảnh cá nhân phải phù hợp với đối tượng khách hàng mà ta nhắm đến. Ví dụ nếu ta muốn chụp ảnh cưới cho các cặp đôi thích đi phượt, những người trẻ sống phóng khoáng và có xu hướng nổi loạn thì ta nên chuẩn bị cho mình một phong cách chất và bụi một chút. Nếu ta muốn chụp ảnh cho giới trí thức thì nên ăn mặc lịch sự, gọn gàng, pha một chút nghệ sĩ để tạo niềm tin. Nếu ta chụp cho các em bé nhỏ thì nên ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và thân thiện để tạo sự yên tâm cho các bậc phụ huynh…
- Portfolio chuyên nghiệp: Cần phải chuẩn bị một bộ sưu tập hình ảnh đẹp về thể loại ảnh mà ta theo đuổi. Để mỗi khi có khách liên hệ là ta có thể gửi cho họ xem ngay. Portfolio chính là hồ sơ năng lực của chúng ta.
- Báo giá, tư vấn chuyên nghiệp: Hãy tự tin khi tư vấn và báo giá, hãy nhiệt tình giải đáp mọi câu hỏi của khách hàng. Khi mọi câu hỏi của khách hàng đều được bạn giải đáp thoả đáng, thì niềm tin sẽ xuất hiện.
- Phong cách làm việc chuyên nghiệp: Cho dù khách book hay không book, hãy luôn thể hiện một phong cách làm việc thật chuyên nghiệp bất cứ khi nào giao tiếp với khách. Cả trong quá trình tư vấn lẫn trong buổi chụp và khâu hậu kỳ. Điều này giúp khách càng thêm tin tưởng vào chúng ra, nếu họ hài lòng thì họ sẽ có xu hướng giới thiệu khách hàng mới cho chúng ta.
- Sản phẩm, bao bì chuyên nghiệp: Khi giao sản phẩm cho khách, hãy cố gắng in đẹp nhất có thể, album nên có hộp đựng và túi xách kèm theo. Mỗi sản phẩm cần phải có logo của mình trên đó, vì đó chính là sự đảm bảo cho chất lượng. Bạn cũng có thể tặng thêm USB chép file, thiệp cám ơn…
Trên đây là một số gợi ý nhỏ giúp bạn xây dựng cho mình một hình ảnh chuyên nghiệp hơn. Để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì còn rất nhiều việc khác phải làm. Nhưng trong khuôn khổ một bài viết không thể quá dài, nên tôi xin tạm dừng ở đây. Hẹn gặp bạn trong những bài viết tiếp theo.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com