CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH MỘT NHIẾP ẢNH GIA CHUYÊN NGHIỆP

Nhiếp ảnh gia – cái tên nghe thôi cũng đã thấy thích rồi, chưa kể đến chuyện cầm chiếc máy ảnh trên tay, đi lang thang trong một buổi chiều ngày hè nắng vàng rực rỡ, gió thổi nhẹ hiu hiu như nâng tâm hồn người nghệ sĩ. Ngón tay trỏ tí tách bấm máy ghi lại những khoảnh khắc đẹp và đầy chất thơ của những bông hoa bên đường, của những tán lá vàng rực quyện với những tia nắng xuyên qua những kẽ lá. Thú vị là thế, tự do là thế, nghề nhiếp ảnh gia hiện lên đầy cuốn hút, làm cho biết bao bạn trẻ say mê, rạo rực. Nhưng nghề nào cũng thế, để có những phút huy hoàng, phía sau đó luôn là sự lao động cật lực, và hy sinh không ít.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Bài viết này xin được chia sẻ một góc nhìn từ người trong cuộc, mục đích để giúp những bạn trẻ đang muốn theo đuổi nghề nhiếp ảnh có cái nhìn toàn diện. Từ đó có sự chuẩn bị kỹ, cả về tâm lý lẫn vật chất, để có thể theo đuổi nghề nhiếp ảnh một cách lâu dài, bền vững.

Để trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sống được với nghề và phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Thì trước đó là cả một giai đoạn vất vả, gian nan, là những đêm không ngủ mày mò, nghiên cứu, là những chuyến đi từ rất sớm và đôi khi phải nhịn ăn để chụp cho kịp tiến độ, là sự đầu tư khá nhiều tiền của. Để cụ thể, xin được kể ra những bước chính mà bạn cần xác định sẽ phải trải qua như sau:

Giai đoạn 1:

  1. Tốn tiền lần 1: Đây là điều chắc chắn, bạn sẽ phải chi khá nhiều để mua thiết bị, chưa phải để hành nghề, mà là để tập chụp trước đã. Một chiếc máy ảnh bán chuyên, vài chiếc ống kính, cộng với máy tính để xử lý photoshop. Một khoản đầu tư có thể lên đến 50 triệu là chuyện bình thường.
  2. Tốn tiền lần 2: Sau khi có thiết bị, bạn sẽ phải tham gia những khoá học chụp ảnh để học về cách sử dụng máy, tốc độ, khẩu độ, iso, bố cục, ánh sáng, màu sắc… Chưa hết, bạn cũng cần học về photoshop để chỉnh sửa ảnh, cũng tốn một khoản kha khá. Tuy nhiên, có một số người có thể lên mạng tự tìm tài liệu để học, việc này cũng được nhưng sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
  3. Tốn tiền lần 3: Bạn sẽ phải tự set-up những buổi chụp thực tế, nhờ người quen làm mẫu, hoặc thuê mẫu. Chi phí của những buổi tập chụp này sẽ do bạn tự bỏ ra. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề, bạn cũng có thể xin đi theo các nhiếp ảnh gia khác và chụp miễn phí.
  4. Tốn tiền lần 4: Sau khi chụp ổn rồi, bạn sẽ tính đến chuyện nâng cấp thiết bị, đổi từ camera bán chuyên sang chuyên nghiệp, thay ống kính dòng xịn, đầu tư đèn đóm, hắt sáng, nâng cấp máy tính, và đôi khi còn phải mua cả preset để làm màu. Đây thực sự là một đợt đầu tư lớn để chuẩn bị dấn thân vào con đường của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Đến đây xem như kết thúc giai đoạn 1, tính toán sơ sơ thì bạn chi ra khoảng trên 100 đến 200 triệu, cộng với 1 đến 2 năm mày mò nghiên cứu, tập tành các thể loại. Xin chúc mừng bạn đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên, bây giờ bạn đã có thể chụp ra những bộ ảnh mà thị trường có thể chấp nhận. Lưu ý là sẽ có rất nhiều người dừng chân sau khi hoàn thành giai đoạn này, vì giai đoạn 2 mới thực sự là khó khăn, và phải đánh đổi rất nhiều.

Giai đoạn 2:

Bạn biết chụp, có những bộ ảnh khá đẹp, có thể được khách hàng chấp nhận. Nhiệm vụ của bạn bây giờ sẽ là:

  1. Từ bỏ công việc hiện tại hoặc chấp nhận làm 2 việc cùng lúc. Nếu bạn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh gia một cách nghiêm túc thì tôi khuyên bạn nên tập trung 100% cho nhiếp ảnh, còn nếu chưa tự tin không biết mình có làm được hay không thì nên giữ công việc cũ, và dành buổi tối + những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ cho nhiếp ảnh.
  2. Bắt tay vào việc tìm kiếm mặt bằng, đầu tư mở tiệm, hoặc làm freelance. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm kinh doanh thì theo tôi làm freelance sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.
  3. Gia nhập vào một thị trường cạnh tranh khốc liệt, đối thủ của bạn xuất hiện khắp mọi nơi, họ là những nhiếp ảnh gia chụp đẹp hơn bạn nhiều, có nhiều năm kinh nghiệm, có thương hiệu và đã có rất nhiều khách hàng, nguồn lực tài chính cũng dồi dào hơn bạn. Đối thủ của bạn cũng là những studio, nhiếp ảnh gia sẵn sàng giảm giá, phá giá để tranh giành khách hàng. Đối thủ cũng là những tay chơi mới gia nhập thị trường giống như bạn.
  4. Sau một thời gian không có khách, hoặc có rất ít, trong khi thị trường luôn thay đổi, gu thẩm mỹ của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi bạn phải nâng cao chuyên môn để theo kịp với thị trường. Nguồn thu chưa có bao nhiêu, và phần lớn là thu không đủ cho chi phí. Đôi khi bạn phải chụp những thể loại ảnh mà bạn không thích, phục vụ những khách hàng mà bạn không muốn phục vụ. Nhưng bạn vẫn phải làm để có nguồn thu nhập.
  5. Phần lớn mọi người sẽ dừng cuộc chơi trong giai đoạn này, họ nghĩ thị trường quá chật chội, tìm kiếm khách hàng quá khó khăn, tiền thì ngày càng cạn, động lực mất dần, và họ quyết định dừng lại. Kết thúc vài năm phấn đấu cùng với mấy trăm triệu đã bỏ ra. Chưa tính đến rất rất nhiều công sức không thể đo đếm được. Nhưng…
  6. Sẽ có những người vượt qua giai đoạn khó khăn đó, dần xây dựng thương hiệu và định hình phong cách cho riêng mình, lượng khách cũng dần dần ổn định, thu nhập ngày một cao hơn. Họ bắt đầu có tiếng tăm, được tôn trọng, và nhận những show chụp cho những khách hàng tuyệt vời. Sự thật là những người đạt được mức này rất ít, thành công chỉ dành cho những người thật sự xứng đáng. Họ được đi đây đi đó, có một công việc lý tưởng, một cuộc sống tự do, một mức thu nhập hấp dẫn, và có thể là một cô vợ rất xinh xắn nữa.

Khi đứng bên ngoài nhìn vào những nhiếp ảnh gia, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những người thành công, cùng với sự thu hút khó cưỡng. Đó là lý do ta cũng muốn trở thành một nhiếp ảnh gia. Tôi hoàn toàn ủng hộ những người muốn theo đuổi nghề nhiếp ảnh một cách nghiêm túc, sẵn sàng đầu tư cũng như chấp nhận đánh đổi tương xứng để có được thành công. Nếu bạn là người như vậy, hãy lên kế hoạch hành động ngay. Có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn, và cá nhân tôi cũng đang hào hứng để chào đón một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới.

Tôi luôn nể trọng những con người hành động quyết liệt, những con người có đủ khát khao và đam mê mãnh liệt. Xin chúc bạn chân cứng đá mềm, vững tay chèo vượt qua sóng gió, để vươn đến thành công.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *