Có nên bỏ việc theo nghề photographer?

nghề photographer

Có nên bỏ việc theo nghề photographer?

Là một người đam mê nhiếp ảnh một cách nghiêm túc, chắc hẳn bạn đã nhiều lần tự hỏi mình như vậy. Có rất nhiều người giống như bạn, mặc dù không yêu thích công việc hiện tại nhưng vẫn phải làm, vì đơn giản là không dám bỏ ngang để theo đuổi một nghề khác, nhất là nghề photographer lại khá bấp bênh, thu nhập không ổn định.

Tuy nhiên, cũng có không ít người quyết định bỏ công việc hiện tại và theo nghề photographer một cách nghiêm túc, trong đó không ít người thành công, và cũng không ít người thất bại. Vậy làm sao để trở thành một photographer thành công? Làm sao để hạn chế rủi ro khi chuyển nghề? Vâng, đây là những câu hỏi lớn.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Trước tiên, cần làm rõ khái niệm “thế nào là một photographer thành công?”. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin tạm gọi một photographer thành công là người sống được với nghề chụp ảnh, có được một công việc ổn định, lâu dài, với một mức thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và có được khoản dư để tích luỹ. Nghĩa là biến nghề photographer trở thành một nguồn thu nhập giống như trước đây bạn đi làm (hoặc có thể cao hơn), nhưng khác ở chỗ bạn được làm việc mà mình đam mê, được chủ động trong công việc, và được làm theo cách mà bạn thích.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã có trên 10 năm đam mê nhiếp ảnh (từ năm 2010), và quyết định nghỉ việc để theo nghề photographer từ cuối năm 2015. Tôi xin chia sẻ với bạn một số yếu tố then chốt giúp tôi trụ được với nghề, ngày càng yêu nghề hơn, đam mê hơn, và đi lâu, đi sâu hơn với nghề.

1. Đam mê: Điều đầu tiên chính là niềm đam mê, vì nếu không đam mê thì bạn cứ tiếp tục làm công việc hiện tại, việc gì phải chuyển sang nghề photographer? Vì đằng nào cũng làm công việc mà mình không đam mê, nên đổi nghề sẽ khiến bạn gặp rủi ro. Còn nếu bạn thực sự đam mê thì không gì tuyệt vời bằng, khi đó càng làm thì bạn càng mê, càng dấn thân thì càng khám phá được những chân trời thú vị. Đam mê sẽ giúp bạn làm việc không mệt mỏi, và hạnh phúc với cuộc hành trình.

2. Kiên trì: Khi khởi đầu sẽ rất khó khăn, vì có quá nhiều việc phải làm, mà toàn là những việc đòi hỏi nhiều thời gian và sự nỗ lực. Đó chính là rèn luyện chuyên môn chụp ảnh, chuyên môn hậu kỳ, tư duy thẩm mỹ, kiến thức kinh doanh trong ngành ảnh… Do đó, nếu không đủ kiên trì thì bạn sẽ không đi được đến cuối cuộc hành trình, và sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.

3. Bền bỉ: Hãy xác định nghề photographer là một con đường dài, sẽ ngốn của bạn rất nhiều thời gian và công sức, trong khi bạn chỉ có một mình, không người động viên, không người hỗ trợ, mà đôi khi còn bị người thân ngăn cản. Hãy chuẩn bị một sức khoẻ tốt, cả về mặt cơ thể và tinh thần, chỉ có một tinh thần quyết tâm không bỏ cuộc, không dừng bước mới giúp bạn thành công được với nghề. Câu danh ngôn “Đường dài mới biết ngựa hay” rất đúng trong trường hợp này.

4. Không ngừng học hỏi: Nhiếp ảnh là bộ môn kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, nó đòi hỏi sự học tập, rèn luyện và sáng tạo không ngừng. Nếu không bạn sẽ bị tụt hậu và bị thị trường đào thải. Một khi đã xác định làm nghề photographer chuyên nghiệp thì bạn không được dừng lại.

5. Chịu khó: Do đặc thù của nghề này là tự doanh, nghĩa là bạn chỉ có một mình hoặc một ekip nhỏ, nhất là trong khoảng thời gian đầu khởi nghiệp. Nên hầu như bạn sẽ là tự mình làm tất cả mọi việc, từ các công việc chuyên môn như chụp ảnh, photoshop, tiếp khách, ký hợp đồng, nghiên cứu thị trường, marketing, tìm kiếm khách hàng, làm việc với nhà cung cấp (trang phục, hoa, in ấn, xe cộ đi lại…). Nên bạn bắt buộc phải chịu khó, không có lựa chọn khác.

6. Học kinh doanh: Bạn là người chịu trách nhiệm chính cho sự nghiệp nhiếp ảnh của bạn, khách đông hay ít là do bạn. Nhiều người chụp ảnh rất đẹp nhưng khách rất ít là vì nguyên nhân không chịu học hỏi về kinh doanh. Do đó, để có thể hiểu về thị trường nhiếp ảnh, biết cách marketing và sales trong thị trường ảnh thì bạn buộc phải học về kinh doanh. Nhất là trong một thị trường nhiếp ảnh đầy cạnh tranh hiện nay.

7. Quản lý nhân sự: Khi công việc phát triển thì bạn không thể làm một mình, bạn cần có ekip hỗ trợ, đó là những photographer, những chuyên viên photoshop, chuyên viên makeup, chuyên viên tư vấn và chăm sóc khách hàng, chuyên viên marketing, những người phụ việc… Mặc dù không phải là một doanh nghiệp lớn, nhưng một ekip nhỏ cũng cần bạn phải biết cách để quản lý, động viên và khích lệ anh em, điều này sẽ giúp bạn có một team làm việc hiệu quả.

8. Quản lý tài chính: Nghề photographer đòi hỏi bạn phải biết cách quản lý tài chính, vì nếu quản lý tài chính không tốt thì có thể bạn sẽ bị cạn tiền, khi đó ekip cũng tan rã, không có kinh phí để marketing, không trả được tiền thuê mặt bằng, lúc đó bạn buộc phải đóng cửa. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều studio phải đóng cửa vì không còn tiền để duy trì hoạt động.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác nữa, nhưng trên đây là những yếu tố chính để có thể theo đuổi nghề photographer thành công. Mong các bạn đọc kỹ và có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bỏ việc để theo đuổi nghề photographer. Hy vọng sẽ giúp tăng thêm cơ hội thành công cho bạn.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Hẹn gặp bạn trên những cung đường của đam mê. Một cuộc sống mới được sinh ra kể từ khi tôi trở thành một photographer.

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *