CHIẾN LƯỢC DỰ PHÒNG RỦI RO CHO STUDIO VÀ PHOTOGRAPHER

Có bao giờ bạn nghĩ một ngày nào đó bạn sẽ phải đóng cửa và kết thúc sự nghiệp nhiếp ảnh của mình? Tôi đã từng hỏi câu hỏi trên cho khá nhiều photographer và studio, nhưng hầu như là không ai nghĩ đến điều đó cả. Trong khi thực tế thì tôi lại chứng kiến rất nhiều studio đóng cửa, hầu như lúc nào cũng thấy có người sang tiệm. Hậu quả của việc đóng cửa là rất lớn, nó giết chết một niềm đam mê, một công việc kinh doanh mà các photographer đã phải trả giá rất nhiều để có được. Trên hết, nó chấm dứt một sự nghiệp, và đẩy người photographer phải bắt đầu lại từ đầu với một công việc khác mà mình không thích.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Vậy làm sao để tránh được điều kinh khủng đó? Câu trả lời là không thể tránh được, nhưng ta có thể dự phòng, để khi điều đó có dấu hiệu xảy ra thì ta có đủ khả năng để ngăn chặn. Đâu là nguyên nhân chính khiến một studio/photographer đóng cửa hay bỏ nghề? Câu trả lời nằm ở “tiền”. Không đủ tiền để duy trì hoạt động kinh doanh, không đủ tiền để trang trải cuộc sống bằng nghề chụp ảnh. Tiền quan trọng giống như máu trong cơ thể. Một người không có máu thì không thể sống, doanh nghiệp không có tiền thì không thể hoạt động. Điều này là tương tự đối với một studio/photographer.

Như vậy, việc không có đủ tiền khiến cho studio phải đóng cửa, vậy nguyên nhân không đủ tiền là vì đâu? Có 2 nguyên nhân, một là studio, photographer không có đủ khách hàng để kiếm đủ tiền cho hoạt động, hai là mặc dù khách cũng ổn nhưng mà chủ tiệm không kiểm soát được chi phí dẫn đến chi quá nhiều. Đối với trường hợp khách đông nhưng không kiểm soát được chi phí thì chỉ cần rà soát lại tất cả các khoản chị, cắt giảm những khoản chi không hợp lý, không cần thiết thì studio lại có đủ tiền. Nhưng đối với nguyên nhân không có khách/khách ít thì sẽ khó xử lý hơn.

Bài viết này nói về khía cạnh dự phòng rủi ro, nghĩa là một studio, photographer đang hoạt động bình thường, khách vẫn đều đều. Nhưng đột nhiên rủi ro xảy đến, không biết vì nguyên nhân gì mà tự nhiên vắng khách, dẫn đến giảm doanh thu, rồi dẫn đến hết tiền và phải đóng cửa. Trong kinh doanh, đây là rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, không chỉ trong ngành ảnh, mà các ngành khác cũng vậy. Vậy vấn đề nằm ở chỗ, khi rủi ro xảy ra, ta phải làm gì để vượt qua nó, để duy trì được sự tồn tại cho studio của mình?

Đầu tiên, việc quan trọng cần làm là phải có sự chuẩn bị, ta không thể biết khi nào rủi ro xảy ra, nên ta phải luôn có sự chuẩn bị từ trước. Cái cần chuẩn bị đầu tiên chính là tiền, trong những giai đoạn studio, photographer đang có khách ổn định, thì hãy ý thức trích một khoản tiền để lập Quỹ Dự Phòng Rủi Ro. Mỗi tháng trích một ít, cho đến khi nào Quỹ này đạt khoảng 3 tháng hoạt động thì tạm yên tâm. Nghĩa là thế này, giả sử studio của bạn mỗi tháng phải chi 50 triệu (bao gồm tiền mặt bằng, điện nước, lương nhân viên, chi phí marketing…), thì Quỹ dự phòng rủi ro cần trích ít nhất là 150 triệu. Còn nếu bạn là Freelance Photographer, chi phí mỗi tháng của bạn là 15 triệu (bao gồm thuê phòng trọ, sinh hoạt phí, marketing, điện thoại…), thì bạn cần trích Quỹ 45 triệu.

Bạn không được đụng đến Quỹ dự phòng rủi ro, và chỉ được lấy ra sử dụng khi gặp sự cố. Ví dụ do cạnh tranh, do đối thủ giảm giá, do xu hướng thị trường thay đổi, do hình thức marketing thay đổi… dẫn đến bạn đột nhiên không có khách, hoặc có rất ít. Khi đó bạn sẽ không có doanh thu, đây là trường hợp mà rất nhiều người gặp phải. Khi đó bạn mới thấy sự quan trọng của Quỹ dự phòng rủi ro, nếu không lập quỹ này từ trước, thì bạn sẽ làm sao? Nếu may mắn vay mượn được tiền thì còn duy trì được, nhưng nếu không có ai giúp đỡ thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Với việc lập Quỹ từ trước, thì bạn có thể yên tâm là mình sẽ tồn tại được 3 tháng. Không phải lo về tài chính, bạn sẽ bắt tay ngay vào việc điều tra nguyên nhân tại sao đột nhiên vắng khách? Từ đó tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, thay đổi chiến lược marketing, cải tiến phương pháp tiếp cận thị trường, nâng cấp các gói dịch vụ… Đó là cơ sở để giúp bạn vượt qua được sự cố. Trích Quỹ là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là phải tìm ra được nguyên nhân và giải pháp để khắc phục vấn đề. Điều quan trọng nằm ở chỗ, nếu không có Quỹ, thì bạn sẽ không còn cơ hội khắc phục vấn đề nữa.

Trong tất cả các ngành kinh doanh, việc lập Quỹ dự phòng rủi ro là điều bắt buộc, nhưng đối với cộng đồng photographer Việt Nam thì điều ngày nghe rất mới. Đó là lý do tôi viết bài này nhằm chia sẻ với mọi người, mong giúp ích được chút gì đó cho anh em photographer nhé.

KHOÁ HỌC CHỤP ẢNH EM BÉ

Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *