CafeLand – Một cuộc khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh đã cho kết quả đáng báo động. Có đến 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng.
Trên thực tế, đã có hàng loạt hộ kinh doanh nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, giáo dục… làm ăn thua lỗ, phá sản. Một viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế đang đến gần hơn bao giờ hết.
Vậy trong bối cảnh đó những cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ nên làm gì?
Tồn tại là trên hết
- Không than vãn và chấp nhận thực tế
Đại dịch xảy ra là điều không ai mong muốn, nên chúng ta bắt buộc phải chấp nhận nó. Cứ nghĩ đơn giản thế này: bạn đi làm kiếm tiền, tiền kiếm được trang trải chi phí sinh hoạt và để dành phần dư tiết kiệm. Bạn có thể mở sổ tiết kiệm ở ngân hàng, mua vàng, mua USD, hay đầu tư bất động sản…
Nhưng cuộc sống không bao giờ suôn sẻ. Bạn có thể bị bệnh, hay gặp tai nạn bất ngờ. Khi đó, bạn sẽ phải tạm nghỉ làm việc và chữa bệnh. Bạn sẽ sử dụng tiền tiết kiệm để chữa bệnh, phần bị thiệt hại là không thể tránh khỏi. Đến khi khoẻ mạnh, bạn lại đi làm việc và kiếm tiền tiếp.
Dịch bệnh covid 19 cũng là một tai nạn bất ngờ như vậy. Nó khiến bạn gặp khó khăn trong một thời gian, tốn kém trong một thời gian. Tuy nhiên, sau khi dịch qua đi thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Như vậy, có một tư duy đúng là chấp nhận thực tế thay vì than vãn sẽ giúp bạn có được những năng lượng tích cực để đối phó với đại dịch nguy hiểm này.
- Cắt giảm chi phí
Đây là việc cần làm ngay lập tức. Nó giúp bạn tiết kiệm tiền và kéo dài thời gian để duy trì hoạt động kinh doanh. Những chi phí cần cắt giảm là: đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng, cắt giảm nhân sự (chỉ giữ lại những nhân sự quan trọng), cắt giảm lương hoặc thay đổi hình thức trả lương (ví dụ, giảm lương cứng và chuyển sang lương theo doanh thu), cắt giảm chi phí marketing/quảng cáo (chỉ quảng cáo khi có hiệu quả), tạm dừng tất cả các khoản mục đầu tư không cần thiết, tiết kiệm tối đa các chi phí hàng ngày…
Bạn nên nhớ, tiền chính là máu của doanh nghiệp. Còn tiền thì máu còn chảy, doanh nghiệp còn hoạt động. Hết tiền thì mọi thứ xem như chấm dứt.
- Triển khai các kênh marketing không tốn chi phí
Hiện nay, các chủ kinh doanh nhỏ phụ thuộc khá nhiều vào việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hay Google, với giá quảng cáo không ngừng tăng cao. Nếu trong mùa dịch chạy quảng cáo không còn hiệu quả, thì bạn có thể xem xét cắt giảm hoặc ngừng quảng cáo. Vì quảng cáo mà bị lỗ thì càng khiến bạn hết tiền nhanh hơn. Thay vào đó, hãy triển khai các kênh marketing không tốn tiền khác, ví dụ như Website, SEO, Youtube, Zalo…
- Nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống kinh doanh
Đây là khoảng thời gian vàng để bạn nâng cao chuyên môn cũng như hoàn thiện các khâu còn yếu trong hệ thống kinh doanh của mình. Ví dụ như tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm/dịch vụ của bạn, đào tạo nhân viên, xây dựng kịch bản chốt sale, tìm hiểu thêm về các kênh marketing khác…
Lựa chọn chiến lược phù hợp
- Tiếp tục duy trì và phát triển
Chiến lược này dành cho những người có nguồn tài chính mạnh, đủ để duy trì hoạt động bất chấp khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Bạn chỉ cần tập trung thực hiện các công việc trong phần chiến lược chung ở phía trên cho thật tốt. Song song đó, bạn cần nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, tối ưu hoá hệ thống kinh doanh và marketing. Thậm chí bạn còn có thể tuyển dụng thêm nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau khi mùa dịch đi qua.
- Thu gọn quy mô để tồn tại
Chiến lược này dành cho những người có ít tiền, chỉ có thể tồn tại được vài tháng nữa mà thôi. Nếu mùa dịch kéo dài, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Do vậy, điều quan trọng nhất bây giờ là cắt giảm tối đa, thu gọn quy mô tối đa để đưa chi phí về mức thấp nhất. Lúc đó, bạn sẽ kéo dài được thời gian tồn tại của mình, gia tăng khả năng vượt qua mùa dịch thành công.
Đầu tiên, nếu mặt bằng chiếm nhiều chi phí, bạn nên đàm phán tiền thuê mặt bằng về mức thấp nhất để có thể duy trì được trong 6 tháng hoặc hơn, thậm chí có thể chuyển qua làm việc online.
Cắt giảm chi phí nhân sự về mức thấp nhất có thể, vì giai đoạn này khách rất ít nên bạn không cần nhiều nhân sự. Tốt nhất, nếu mọi người đồng ý thì bạn có thể cắt hết phần lương cứng, chỉ trả lương theo doanh thu.
Cắt giảm chi phí marketing, quảng cáo. Nếu số tiền kiếm được không đủ cho chi phí marketing và quảng cáo thì bạn nên cắt luôn phần chi phí này, vì chạy quảng cáo mà bị lỗ thì chạy làm gì? Còn nếu quảng cáo vẫn hiệu quả thì bạn có thể duy trì, vì nó sẽ giúp bạn có được công việc để làm và có kinh phí trả lương cho nhân viên.
Cắt giảm tất cả các khoản đầu tư và chi phí không thật sự cần thiết. Trước khi chi tiền cho việc gì hãy tự hỏi điều này có thực sự cần thiết không? Nếu không làm thì có ảnh hưởng gì không?
- Linh hoạt để tồn tại
Chiến lược này cũng dành cho những người có một khoản tiền hạn chế, không duy trì được lâu nếu dịch bệnh kéo dài.
Đây là chiến lược linh hoạt, dành cho những người không muốn áp dụng các biện pháp mạnh trong chiến lược số 2, hoặc áp dụng nhưng chỉ một phần chứ không làm gắt quá. Do vậy, khoản chi phí hàng tháng bạn phải chịu vẫn khá lớn, nguy cơ hết tiền và phải dừng hoạt động là khá cao.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể áp dụng các biện pháp linh hoạt. Ví dụ như sẵn sàng cung cấp thêm các sản phẩm/dịch vụ khác, miễn sao có tiền để duy trì. Hay sẵn sàng giảm giá miễn sao vẫn còn lời mặc dù ít, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để có thêm khách hàng, thậm chí có người còn sẵn sàng làm các công việc khác không liên quan gì đến công việc hiện tại miễn sao có tiền là được.
Mục tiêu của chiến lược này cũng là tồn tại, vì vậy bất cứ công việc nào kiếm được tiền và không vi phạm pháp luật cũng đều có thể được cân nhắc.
- Chết để tái sinh
Chiến lược này dành cho những người có số tiền quá ít, không đủ để duy trì, cũng không có khả năng triển khai chiến lược 2 hay chiến lược 3. Vậy thì hãy mạnh dạn “chết”. Nghĩa là đóng cửa hoạt động, trả lại mặt bằng, chia tay nhân viên, về nhà trú ẩn chờ cho qua mùa dịch để “tái sinh”.
Khi đó bạn sẽ cắt giảm được hết mọi chi phí liên quan đến việc duy trì hoạt động kinh doanh, và còn giữ được ít tiền còn lại. Sau khi đóng cửa, bạn sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về chuyên môn, tìm hiểu về marketing và sales, học tập thêm kiến thức cần thiết cho ngành của bạn, chờ đến khi mùa dịch đi qua sẽ hoạt động trở lại.
- Khai tử vĩnh viễn
Chiến lược khải tử dành cho những người đã không còn cảm hứng đối với công việc hiện tại, từ lâu đã chán công việc này, nhưng vẫn cố duy trì vì chưa biết làm việc gì khác. Nhân dịp này, bạn hãy mạnh dạn chấm dứt luôn. Biết đâu đây chính là một sự khởi đầu mới cho bạn, giúp bạn tìm được ngành nghề khác thích hợp với bạn hơn.
Nhiếp ảnh gia Cường K