Một bài viết chân thực về thị trường nhiếp ảnh hiện nay, trong đó sẽ phân tích cụ thể về những khó khăn mà các studio/photographer đang gặp phải, những trường hợp đang gặp nguy hiểm và đứng trước nguy cơ phá sản, cũng như cách thức để vượt qua cơn khủng hoảng Covid 19 này.
Có thể nói cơn đại dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam kể từ sau tết, nghĩa là khoảng đầu tháng 2/2020. Nó khiến nền kinh tế bị ngưng trệ, nhiều ngành nghề bị suy giảm, thậm chí đóng băng. Trong đó có thị trường nhiếp ảnh thương mại.
Khi nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thua lỗ, người lao động mất việc, giảm lương, thậm chí mất luôn thu nhập. Nên ai ai cũng phải cắt giảm chi tiêu, và chỉ ưu tiên cho những chi phí sinh hoạt thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, điện, nước, xăng, internet, điện thoại… Rất ít người sẽ chi tiền cho những dịch vụ ăn chơi, giải trí, và cả chụp ảnh. Ngoài ra, vì lo sợ lây nhiễm nên người dân sẽ ưu tiên ở nhà, không tập trung đông người và hạn chế đi ra ngoài. Vậy thì các đám cưới sẽ bị hoãn là đương nhiên, với sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì cũng chưa biết khi nào có thể tổ chức lại. Nên các dịch vụ chụp ảnh đám cưới đã bị đóng băng trong tình hình hiện nay.
Đối với các dịch vụ chụp ảnh khác như: chụp ảnh gia đình, chụp ảnh em bé, chụp ảnh chân dung, chụp ảnh sexy, ảnh bầu… thì lại càng không được ưu tiên, vì đây không phải là những dịch vụ thiết yếu, không chụp cũng không sao, sau này hết dịch chụp cũng chưa muộn. Chưa kể người dân cần phải tiết kiệm tiền, nên sẽ rất hạn chế chi tiền cho những dịch vụ như vậy.
Từ những phân tích trên, có thể thấy thị trường nhiếp ảnh hiện nay đang lâm vào tình trạng suy thoái, khiến cho rất nhiều studio/photographer gặp khó khăn, doanh thu giảm sút không phanh. Dẫn đến nhiều studio phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa vì hết tiền.
Những trường hợp gặp nguy hiểm:
Vậy đâu là những trường hợp nguy hiểm trong tình trạng hiện nay? Xin liệt kê một số trường hợp phổ biến sau:
- Mở nhiều chi nhánh quá nhanh, dẫn đến gánh nặng chi phí khổng lồ. Thử tưởng tượng mỗi sáng thức dậy, khách thì không có mà phải lo bao nhiêu khoản phải chi. Nhất là mặt bằng, nhân viên, điện, nước, chi phí hoạt động, chưa kể nhiều người còn phải trả lãi ngân hàng. Nếu không có một nguồn tài chính dự phòng dồi dào thì gánh nặng tài chính này sẽ làm gãy lưng bất cứ studio nào.
- Lượng tiền mặt hiện tại hạn chế, không đủ duy trì hoạt động cho studio nếu mùa dịch kéo dài 6 tháng. Đây là trường hợp nguy hiểm vì cơn đại dịch này chưa biết bao giờ mới kết thúc. Giả sử bạn còn cầm cự được 3 tháng nữa, nhưng sau 3 tháng thị trường vẫn ế ẩm thì bạn làm sao? Hết tiền thì phải trả mặt bằng, không giữ được nhân viên, nếu không có người cứu hay vay mượn được thì bạn sẽ phải đóng cửa. Mà thời điểm này vay tiền là một việc vô cùng khó.
- Còn quá ít tiền, mà lại không có chiến lược cụ thể. Bạn sẽ rơi vào tình trạng rối trí, không biết phải làm sao, tháng sau hết tiền rồi, biết làm gì bây giờ.
- Tâm trạng chán nản, tiêu cực. Đây là dấu hiệu của sự tối tăm, không biết phải làm gì, dễ dẫn đến những hành động không tỉnh táo.
- Những người vẫn còn thói quen thích phô trương, thích màu mè, họ yêu thích sự thể hiện, sự khen ngợi của những người xung quanh. Đây là những thói quen gây tốn kém, không tập trung giải quyết cái lõi của vấn đề. Nếu không từ bỏ ngay thói quen này thì sẽ rất dễ lâm vào tình trạng hết tiền.
- Tất cả các trường hợp không có một chiến lược đúng, không biết cách cắt giảm chi phí tối đa, không đủ quyết tâm vượt qua khó khăn, … cũng dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho công việc kinh doanh của mình.
Điều cần làm bây giờ là gì?
Đây là giai đoạn mà các studio/photographer cần phải tập trung và sáng suốt, ngay lập tức cắt giảm chi phí một cách tối đa, ngừng ngay các khoản đầu tư mới, bật chế độ “thực hành tiết kiệm” để có đủ tiền sống sót qua mùa dịch. Sống sót chính là mục tiêu cao nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tìm mọi cách để có được một lượng tiền mặt cần thiết để trang trải cho đến khi mùa dịch đi qua. Nếu trước đây bạn đã lập Quỹ dự phòng tài chính thì đây chính là thời điểm sử dụng quỹ này, tôi xin chúc mừng những người đã ý thức lập quỹ từ trước, không để lâm vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. Trường hợp bạn chưa lập quỹ thì sẽ khó khăn hơn, nhưng không phải không có cách.
Một số người có khả năng vay mượn người thân, hay được gia đình hỗ trợ thì cũng xem như tạm yên tâm. Nhưng đối với những người sắp hết tiền mà lại không vay mượn được thì phải làm sao? Vấn đề của bạn bây giờ là cần linh hoạt để kiếm được tiền về. Ví dụ bạn có thể khuyến mãi, giảm giá để kích thích khách hàng đến chụp ảnh. Có thể lời không nhiều nhưng cũng giúp bạn duy trì được. Hoặc đối với các tiệm Bridal thì có thể giảm giá váy cưới. Vì trước sau gì cô dâu cũng phải thuê hay mua váy khi tổ chức đám cưới. Vậy nếu bây giờ bạn giảm giá đến mức hấp dẫn thì sẽ bán được và thu được tiền về. Tiền mặt trong giai đoạn này là vua, còn tiền là còn cơ hội tồn tại.
Qua quan sát thị trường tôi còn thấy một số bạn rất linh hoạt trong việc xoay dòng tiền, họ sẵn sàng làm bất cứ công việc gì để có tiền. Ví dụ như có bạn Trí ở Cam Ranh triển khai bán hải sản tươi sống, có bạn ở TPHCM bán khẩu trang, có bạn thì bán quần áo, có bạn thì bán hàng online… Bất cứ làm gì miễn sao không phạm pháp và có tiền để sau dịch tiếp tục phát triển công việc nhiếp ảnh thì đều được chấp nhận.
Một số bạn làm freelance thì không gặp áp lực tài chính như các studio. Nên có thể tranh thủ thời gian này nghiên cứu chuyên môn, rèn luyện kỹ năng để nâng cao tay nghề. Đây là việc làm rất đúng đắn.
Covid 19 là một đại dịch của toàn thế giới, hậu của của nó chắc chắn rất nặng nề và kéo dài. Nên anh em studio/photographer cần hết sức cảnh giác và có một sự chuẩn bị đúng đắn, có kế hoạch dài hơi thì mới vượt qua được mùa dịch. Do đó cần phải có những chiến lược đối phó cụ thể, phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh. Vì vậy, tôi rất mong bạn tham khảo bài viết dưới đây để xây dựng cho mình một chiến lược và kế hoạch bài bản, giúp gia tăng khả năng chống dịch thành công:
Chiến lược vượt qua mùa dịch covid dành cho studio/photographer
Khi thị trường gặp khó khăn, nghĩa là một cuộc thanh lọc bắt đầu. Một số studio phải thu hẹp quy mô, một số sẽ phải đóng cửa, một số photographer thì bỏ nghề. Chỉ còn lại những người thực sự quyết tâm, hành động quyết liệt để vượt qua cơn khủng hoảng này. Sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng trời chỉ sáng với những người xứng đáng.
Đường dài mới biết ngựa hay.
Trải qua khó khăn mới biết đâu là ngựa ô, đâu là ngựa chiến.
Cường K Photographer
Blog cá nhân: http://cuongk.com
Website Studio: https://boldstudio.vn
Học viện khởi nghiệp nhiếp ảnh: http://bold.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/boldacademy/
Facebook: https://www.facebook.com/cuong.kien
Email: cuongbold@gmail.com